Rộn ràng không khí Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Từ ngày 14-16/4, tại Đồng bằng Sông Cửu Long tưng bừng không khí Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đặc biệt là ở những tỉnh có đông đồng bào Khmer.
Rộn ràng không khí Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ảnh 1Tặng quà chúc mừng đồng bào Khmer tại buổi họp mặt mừng năm mới. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Trong các ngày 14-16/4, khắp các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long tưng bừng không khí Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đặc biệt là ở một số tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh…

Trong ngày Tết đầu tiên (14/4), tại các chùa Khmer đã diễn ra Lễ Đón Thần năm mới một cách long trọng, trang nghiêm. Đây là thời điểm mọi nhà mang lễ vật đến chùa, thắp hương và cùng nhau thực hiện các nghi thức đón Thần năm mới. Ngoài ra, bà con còn đi lễ chùa, thấp hương cầu nguyện trong suốt 3 ngày Tết để mong có một năm bình an, thịnh vượng.

Chôl Chnăm Thmây cũng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, Tết chấm dứt năm cũ, bắt đầu một năm mới và là dịp để bà con dân tộc Khmer có dịp nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí sau một năm lao động sản xuất.

Tại các điểm Chùa vào những ngày này thu hút hàng ngàn người từ nhiều nơi đi lễ như Chùa Pitu Khoossa Răngsay, chùa Munirăngs ở phường An Hội (quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), chùa Luông Ba Sắc (Bảy Sàu) ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), Chùa Chom-pây Sô phon xã Đa Lộc (huyện Châu Thành)… Sư sãi và bà con Phật tử hoàn tất việc chuẩn bị lễ vật cũng như mọi việc trang hoàng chánh điện, bàn thờ, nhà cửa trước Tết ít nhất 4 ngày để đón năm mới.

Tại chùa Mu Ni Ut Dom Rang Say (xã Đông Thắng) và chùa Setterdor (thị trấn Cờ Đỏ), huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, không khí Tết Chôl Chnăm Thmây khá náo nhiệt, có hơn 500 phật tử đến để cầu nguyện với mong muốn có một năm mới tốt lành.

Ngoài ra, tại các gia đình bà con còn bày trí màn thêu, hoa giấy, trái cây với nhiều màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, trên bàn thờ tổ tiên luôn trưng bày nhiều loại bánh mứt như bánh tét, bánh gừng và nhiều loại bánh mứt truyền thống khác của đồng bào dân tộc Khmer. Bà con Khmer, nhất là người cao tuổi đi chùa từ rất sớm để thực hiện các nghi thức cúng bái và rước Thần năm mới.

Không chỉ ở Cần Thơ, đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng cũng chuẩn bị Chôl Chnăm Thmây từ rất sớm và nô nức đi lễ chùa suốt 3 ngày tết.

Ông Thạch Phách, Ban Quản trị chùa Luông Ba Sắc, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hằng năm vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây có hơn 6.000 gia đình phật tử đến chùa tổ chức rước Đại lịch, đi 3 vòng xung quanh chánh điện để đón Thần năm mới.

Dịp này, nhiều gia đình cũng làm lễ xuất gia cho con mình. Vì bà con tin, đây là thời điểm có ý nghĩa cho việc tu hành. Đến chùa đón Thần năm mới là một phong tục được bà con Khmer không chỉ Sóc Trăng mà hầu hết các nơi duy trì từ trước đến nay.

Vào buổi sáng của ngày Tết thứ hai, bà con phật tử mang gạo, thóc vào chùa đổ thành đống như quả núi trong chánh điện để cầu xin năm mới được mùa, lúa gạo đầy đủ, sung túc. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà các phật tử góp gạo thóc nhiều hay ít. Bên ngoài trẻ em cũng đổ cát thành núi và hát những bài hát vui tươi cầu xin mọi điều may mắn, phước lành. Sáng ngày thứ ba, tại các chùa cũng diễn ra nghi thức tắm Phật, để bày tỏ lòng biết ơn đối với trời phật và người dân tập trung đọc kinh tạ ơn vào buổi chiều.

Tại Chùa Chompây Sô phon (xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), khu vực có trên 1.200 hộ phật tử Khmer sinh sống cũng diễn ra các hoạt động đón Thần năm mới trang nghiêm. Những năm gần đây, đời sống của bà con Khmer ở huyện Châu Thành có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, bà con chuẩn bị đón năm mới trong không khí vui tươi nhộn nhịp hơn.

Ông Thạch Chuôn, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, đến dự buổi lễ đón năm mới với tâm trạng phấn khởi cho biết mấy năm nay, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vay vốn làm kinh tế, chăn nuôi sản xuất, đời sống của bà con trong phum sóc, cũng như gia đình tôi khấm khá hơn rất nhiều, các cháu cũng được học hành đến nơi đến chơi. Nhất là năm nay lúa được mùa nên hầu hết bà con có một cái tết sung túc ấm no.

Đại đức Kim Thon, trụ trì Chùa Chompây Sô phon, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nhận định rằng ngoài việc quan tâm chăm lo đời sống của người dân, Nhà nước còn tạo điều kiện cho bà con Khmer tổ chức các ngày lễ, tết truyền thống theo đúng phong tục, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây, người dân ở huyện Châu Thành nói chung và trong khu vực Chùa Chompây Sô phon nói riêng được Nhà nước hỗ trợ, đời sống có phần khấm khá hơn, nhiều hộ đã và đang cất nhà mới. Ngoài các nghi lễ truyền thống, trong 3 ngày tết Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh còn tổ chức các hoạt động vui chơi như biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, ngày 14/4, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), đoàn y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc (An Giang) đã thăm, khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho dân nghèo tại xã Kompong Krosang (Pungsăng), huyện Borey Cholsar (Prâychusa), tỉnh Takeo, Vương quốc Campucghia.

Tại đây, đoàn đã chúc Tết và tặng 150 suất quà (mỗi suất trị giá 200.000 đồng) cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đoàn y, bác sỹ của Bộ đội Biên phòng An Giang, đoàn y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc (An Giang) cũng đã tiến hành khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho 350 lượt người dân ở xã Kompong Krosang; cắt tóc miễn phí cho bà con và tư vấn, hướng dẫn cách phòng chữa một số bệnh thông thường.

Đây là hoạt động thể hiện tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa lực lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia nói chung, hai tỉnh An Giang và Takeo nói riêng; đồng thời làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trong lòng nhân dân nước bạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục