Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân bởi luật này không chỉ liên quan đến vấn đề bảo tồn văn hóa mà còn có quan hệ mật thiết đến quyền hưởng thụ, tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa; quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh của cá nhân.
Ngày 12/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) để lấy ý kiến các chuyên gia phản biện về dự thảo luật.
Thiếu quy định về ‘Số hóa’ di sản
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt ra vấn đề: “Hiện nay, việc ‘bắt tay’ giữa di sản văn hóa và công nghệ đang thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới về di sản số, di sản phái sinh… nhưng cũng chưa được luật hóa để hình thành chính sách pháp lý phù hợp, khuyến khích phát triển các sản phẩm số dựa trên di sản.”
Ông Trần Ngọc Đường cho rằng nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân trong nước mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì khái niệm di sản số, việc phát huy các giá trị văn hóa của cha ông ta cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật này,” ông Trần Ngọc Đường nói.
Theo ông Đường, nếu nghiên cứu đưa di sản số trở thành một khái niệm chính thức trong Luật Di sản Văn hóa và có các quy định về chính sách đầu tư, chính sách về bản quyền… sẽ thúc đẩy người làm công nghệ có sản phẩm số mang tính ứng dụng cao trong đời sống để di sản văn hóa thật sự phát huy giá trị trong đời sống.
Theo Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, số hóa di sản là một chủ trương lớn mà ngành Văn hóa tập trung đầu tư thực hiện theo chương trình của Chính phủ “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.”
Theo bà Lý, số hóa di sản cũng như làm trưng bày, diễn giải di sản là công việc của một tập thể, bao gồm những nhà nghiên cứu chuyên ngành, nhà bảo tàng học, nhà thiết kế, cán bộ kỹ thuật và cả những người làm giáo dục, truyền thông di sản. Số hóa trưng bày phải là công trình sáng tạo cùng nhau, không đơn thuần chỉ là công nghệ.
“Quá trình này cần phải nghiên cứu tốt, sản phẩm tốt mới đáp ứng nhu cầu công chúng. Sản phẩm ấy mới đủ hàm lượng thông tin khoa học về văn hóa, mới đủ tính hấp dẫn và nó cần thích ứng về mặt kỹ thuật, nếu không, số hóa sẽ không còn ý nghĩa,” bà Lý nói.
Từ quan điểm đó, bà Lý cho rằng các khái niệm liên quan đến số hóa di sản đều phải được đề cập trong dự thảo luật.
Quản lý chặt việc mua, bán cổ vật
Đại biểu tham dự cũng góp ý kiến đối với quy định về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa do nhà nước quản lý; di sản văn hóa do tư nhân quản lý; quyền sở hữu, kinh doanh cổ vật.
Ông Trương Minh Tiến, thành viên Hội đồng tư vấn Tôn giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội quan tâm đến vấn đề sở hữu di sản văn hóa, sở hữu toàn dân, sở hữu chung và riêng.
Theo ông Tiến, di sản văn hóa cũng là một tài sản, được xác lập quyền sở hữu có người đại diện quyền sở hữu. Riêng hình thức sở hữu toàn dân về di sản văn hóa, nhất là về di tích đình, chùa, miếu… là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân ở các làng, thôn hiện chưa được xác định rõ người đại diện. Thực tế đang có sự lúng túng ở cơ sở về quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị ở nhiều địa phương, nảy sinh những hiện tượng tự ý tu sửa di tích, tiếp nhận hiện vật đồ thờ.
Vì vậy, ông Tiến cho rằng dự thảo luật cần phải quy định rõ người đại diện sở hữu.
Ngoài ra, ông Tiến cũng kiến nghị các ngành chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật. Làm tốt được việc này thì sẽ góp phần giảm tình trạng mất cắp hiện vật và cổ vật ở các di tích.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cũng kiến nghị nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp.
Theo ông Năng, hiện mới có 300 hiện vật là Bảo vật Quốc gia, chính vì vậy, phải coi Bảo vật Quốc gia là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt và thuộc loại hiện vật quý hiếm, không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Còn với cổ vật, luật có thể cấm kinh doanh ở nước ngoài nhưng nên cho phép mua bán, kinh doanh trong nước, bởi hiện nay những phiên đấu giá cổ vật diễn ra rất nhiều ở các địa phương, nếu quy định cấm kinh doanh tất cả thì chưa hợp lý.
Sáu vấn đề nóng trong dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi)
Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến trình trong Kỳ họp thứ 7 và thông qua trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ông Năng cũng đề xuất di vật không phải là những hiện vật thuộc dạng quý hiếm hay có giá trị tiêu biểu hay đặc biệt tiêu biểu như cổ vật và bảo vật quốc gia có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước. Như vậy các bảo tàng mới có cơ hội sưu tầm được nhiều hiện vật phục vụ trưng bày giới thiệu cho công chúng.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đồng tình với quan điểm “Di vật, cổ vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng chỉ được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh ở trong nước theo quy định của pháp luật.”
Ông Hùng cho rằng phương án này phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, trong đó có Công ước 1970 của UNESCO “về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.”
Việc cấm xuất khẩu di vật, cổ vật là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ trộm cắp, đào bới trái phép di vật, cổ vật hoặc những hoạt động trái pháp luật. Ngoài ra việc hạn chế phạm vi chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế và kinh doanh di vật, cổ vật và cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật được quy định trong Luật Di sản Văn hóa bảo đảm thống nhất với quy định quyền sở hữu trong Luật Dân sự./.