Đức có nguy cơ suy thoái trong 2 năm tới nếu ngừng nhập khí đốt Nga

Việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga vào "giữa tháng 4" này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Đức chậm lại, chỉ ở mức 1,9% năm 2022 và đẩy nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Đức có nguy cơ suy thoái trong 2 năm tới nếu ngừng nhập khí đốt Nga ảnh 1Một trạm nén khí của mạng lưới khí đốt tự nhiên tại Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc ngừng ngay lập tức nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ đẩy nền kinh tế Đức vào suy thoái nghiêm trọng trong năm tới.

Nhiều viện kinh tế hàng đầu của Đức như DIW, Ifo, IfW Kiel, IWH và RWI đưa ra cảnh báo trên ngày 13/4 trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Moskva và phương Tây liên quan đến Ukraine.

Trong một tuyên bố chung, các viện trên nhấn mạnh việc ngừng nhập khẩu khí đốt Nga vào "giữa tháng 4" này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Đức chậm lại, chỉ ở mức 1,9% năm 2022 và đẩy nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi tăng trưởng có thể giảm 2,2%.

Các chuyên gia dự báo rằng sẽ không thể khắc phục được tác động của các biện pháp cô lập Nga trong vòng 2 năm tới. Suy giảm kinh tế Đức có thể kéo dài từ cuối năm 2023 sang năm 2024 do nhu cầu năng lượng gia tăng trong mùa Đông tại các nước châu Âu, sau đó mới dần phục hồi.

Các viện nghiên cứu nhận định ngay cả khi không tẩy chay khí đốt của Nga, xung đột tại Ukraine cũng đang làm chậm đà phục hồi của Đức sau cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong kịch bản này, giới chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng của Đức trong năm 2022 xuống còn 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 4,8% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Trong trường hợp nguồn cung năng lượng được duy trì, các viện dự báo tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ tăng từ mức 1,9% lên 3,1% trong năm 2023.

Các viện kinh tế trên còn tính toán việc đóng băng nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ khiến GDP của cả năm 2022 và năm 2023 thiệt hại khoảng 220 tỷ euro (238 tỷ USD), tức là hơn 6,5% sản lượng kinh tế hằng năm.

[Quan chức Đức nhận định về vấn đề nhập khẩu năng lượng từ Nga]

Trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức nhập khẩu khoảng 33% dầu mỏ, 45% than đá và 55% khí đốt từ Nga.

Tuy nhiên, khi mà chiến sự tại Ukraine bùng phát, Đức bắt đầu cân nhắc các phương án cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga, tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo và xây dựng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội ngành năng lượng và nước sạch Đức (BDEW) cho rằng nước Đức cần vạch ra thời gian biểu để cắt dần nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Theo người đứng đầu BDEW Marie-Luise Wolff , Đức cần sử dụng mọi nguồn lực để chuẩn bị chi tiết cho tình huống giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga và củng cố các biện pháp cần thiết với một thời gian biểu đầy tham vọng. Bà cho rằng cần "thận trọng trước khi vội vàng."

Khoảng 33% lượng khí đốt được sử dụng ở Đức dành cho xuất khẩu và một nửa hộ gia đình ở Đức phụ thuộc vào khí đốt để sưởi ấm.

Bà Wolff, người đồng thời là Chủ tịch công ty năng lượng tái tạo Entega, cho rằng tất cả công ty, kể cả các hộ gia đình, phải biết điều gì sẽ xảy ra và những nút thắt nào cần phải dỡ bỏ.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức Klaus Mueller, dự trữ khí đốt của nước này sẽ đủ dùng ít nhất cho đến cuối mùa Hè năm nay nếu nguồn cung từ Nga không bị cắt đứt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục