Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/7 đã đệ đơn lên Tòa án Công lý châu Âu kiện Ba Lan khai thác gỗ tại rừng nguyên sinh Bialowieza, di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã kiện Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu và yêu cầu các biện pháp tạm thời để Ba Lan ngừng các hoạt động đốn gỗ tại Bialowieza, một trong những khu rừng nguyên sinh cuối cùng còn lại của châu Âu.
EC cho rằng đây là "tình huống khẩn cấp," đồng thời đặt thời hạn 1 tháng, thay vì 2 tháng như thường lệ, để giới chức Ba Lan giải quyết vấn đề này.
[10% diện tích đất hoang dã trên thế giới biến mất kể từ 1993]
Hồi tháng 5/2016, Chính phủ Ba Lan bắt đầu cho phép tiến hành các hoạt động khai thác gỗ tại rừng Bialowieza để hạn chế thiệt hại do loài bọ cánh cứng gây ra, cũng như để đối phó với nguy cơ cháy rừng.
Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối của các nhà khoa học, các nhà sinh thái học và giới chức EU do cho rằng Warsaw khai thác gỗ vì mục đích thương mại.
Rừng Bialowieza, còn gọi là Vườn quốc gia Belovezhskaya Puscha, nằm tại khu vực biên giới ở miền Đông Ba Lan giáp giới Belarus và nằm ở thượng nguồn các sông đổ ra biển Baltic và Biển Đen.
Đây là khu rừng rộng lớn, tồn tại và phát triển từ khoảng 10.000 năm trước, từng bao phủ khắp châu Âu. Năm 1979, rừng Bialowieza được UNESCO đưa vào danh sách các di sản thế giới./.