Fiat Chrysler và PSA sáp nhập thành 'đế chế' ôtô lớn thứ tư thế giới

Với nguồn vốn dồi dào, dự kiến tập đoàn mới sẽ đẩy mạnh việc tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và chuyển đổi sang xe điện để đối đầu với những đối thủ lớn hơn như Toyota hay Volkswagen.
Fiat Chrysler và PSA sáp nhập thành 'đế chế' ôtô lớn thứ tư thế giới ảnh 1PSA và FCA "về chung một nhà" với tên gọi Stellantis. (Ảnh: Motor1)

Ngày 16/1, hãng chế tạo ôtô PSA của Pháp và liên doanh sản xuất ôtô Fiat Chrysler (FCA) của Mỹ và Italy sẽ ký kết thỏa thuận hợp nhất được chờ đợi từ lâu để trở thành tập đoàn sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới với tên gọi Stellantis.

Với nguồn vốn dồi dào, dự kiến tập đoàn này sẽ đẩy mạnh việc tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và chuyển đổi sang xe điện để đối đầu với những đối thủ lớn hơn Toyota (Nhật Bản) và Volkswagen (Đức). PSA và FCA đã theo đuổi thương vụ sáp nhập này hơn một năm để hoàn tất thỏa thuận trị giá 52 tỷ USD, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tháng 10/2019, PSA đã thông báo việc sáp nhập với FCA nhằm tạo nên tập đoàn chế tạo ôtô lớn thứ 4 thế giới xét về quy mô và lớn thứ 3 xét về tổng doanh thu. Sở hữu một loạt thương hiệu xe nổi tiếng tại thị trường châu Âu và Mỹ như Peugeot, Citroen, Jeep, Alfa Romeo và Maserati, doanh số hàng năm của hai tập đoàn này vào khoảng 8,1 triệu xe.

[EU chấp thuận thương vụ sáp nhập giữa PSA và Fiat Chrysler]

Người đứng đầu “đế chế” Stellantis sẽ là Giám đốc điều hành của PSA Carlos Tavares, trong khi đó Tổng Giám đốc điều hành FCA Mike Manley sẽ đứng đầu các hoạt động chủ chốt của Stellantis ở Bắc Mỹ. Cổ phiếu của Stellantis sẽ bắt đầu giao dịch tại thị trường chứng khoán Milan (Italy) và Paris (Pháp) vào ngày 18/1 và ở New York (Mỹ) vào ngày 19/1.

Các nhà phân tích đang dự đoán những kế hoạch mà ông Tavares sẽ đưa ra để giải quyết những thách thức to lớn mà tập đoàn phải đối mặt, từ năng lực sản xuất dư thừa đến kết quả kinh doanh ảm đạm ở thị trường hàng đầu là Trung Quốc.

FCA và PSA cho biết Stellantis có thể cắt giảm chi phí hàng năm hơn 5 tỷ euro (6,1 tỷ USD) mà không cần đóng cửa nhà máy. Giống như tất cả các nhà sản xuất ôtô toàn cầu, Stellantis cần đầu tư hàng tỷ USD trong những năm tới nhằm chuyển đổi các dòng xe của mình để sẵn sàng cho kỷ nguyên xe điện đang đến gần.

Bên cạnh đó, vẫn còn có các thách thức cấp bách khác vẫn còn tồn tại, bao gồm việc vực dậy hoạt động kinh doanh đang tụt hậu của tập đoàn ở Trung Quốc, hợp lý hóa đế chế toàn cầu khổng lồ của mình và giải quyết tình trạng thừa công suất lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục