Giá cước vận tải biển phải được công khai, minh bạch ở mức tối đa

Cục Hàng hải vẫn đang phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội đàm phán với các hãng tàu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có được mức giá vận tải tốt nhất trong thời gian tới.
Tự tăng giá vận chuyển container hiện nay diễn ra trên toàn cầu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Tự tăng giá vận chuyển container hiện nay diễn ra trên toàn cầu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Liên quan đến việc giá cước vận tải container tuyến quốc tế tăng cao gây bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đang chỉ đạo Cục Hàng hải xây dựng, đề xuất Bộ tham mưu Chính phủ phương án quản lý giá cước vận tải biển tại Việt Nam.

Thông tin tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 17/9, theo Bộ trưởng Thể, hiện nay, website của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải và các cảng vụ cũng đã niêm yết toàn bộ chi phí để doanh nghiệp có thể tham khảo trên đó, đảm bảo thị trường vận tải bằng đường biển được công khai, minh bạch ở mức tối đa.

Bổ sung thêm, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, sự tăng giá vận chuyển container hiện nay diễn ra trên toàn cầu.

Ông Giang cho biết tại Việt Nam, điều đáng mừng là các phụ thu đối với hàng hóa vẫn không bị tăng. Cảng biển cũng đang áp dụng thu giá dịch vụ ở mức giá sàn, giúp chủ hàng tránh phát sinh chi phí. Cục Hàng hải vẫn đang phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội đàm phán với các hãng tàu để doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có được mức giá vận tải tốt nhất trong thời gian tới.

[Cước phí hàng xuất khẩu: 'Vùng tối' của các hãng tàu biển nước ngoài?]

Đề cập đến phản ánh về việc thiếu vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu, ông Giang khẳng định ở nước ta không diễn ra tình trạng này. Thống kê sáu tháng của cơ quan chức năng Mỹ cho thấy, hàng hóa từ nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ vẫn đứng thứ 2, sau Trung Quốc, tức là vỏ container vẫn được đảm bảo để chuỗi hàng hóa xuất khẩu phát triển.

Đối với đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, Bộ trưởng Thể cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32 trong đó miễn giảm nhiều loại phí trong lĩnh vực giao thông trong đó có hàng hải.

Các loại phí hàng hải liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải cũng đã được đưa xuống ở mức sàn trong suốt thời gian vừa qua. Trường hợp cần miễn giảm thêm các chi phí, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tiếp tục đề xuất.

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp,” ông Thể quả quyết.

Riêng với phí hạ tầng tại cảng biển, Bộ trưởng Thể đánh giá cao chủ trương lùi thời hạn thu phí hạ tầng cảng biển của Thành phố Hồ Chí Minh (đề xuất lùi đến khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2022) trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do COVID-19.

“Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng cũng cần nghiên cứu, có cơ chế, chính sách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với hàng hóa được vận chuyển trên đường thủy, Hải Phòng cần nghiên cứu không thu hoặc thu với phí phù hợp mức độ ảnh hưởng, tác động lên hạ tầng của hàng hóa, góp phần kéo giảm chi phí logistics,” Bộ trưởng nói./.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, tám tháng của năm 2021, sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường biển ước đạt 54,5 triệu tấn, tăng 5%; Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 481 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính riêng trong tháng 8/2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển bị ảnh hưởng, chỉ đạt gần 60 triệu tấn giảm 9% so với tháng Bảy. Trong đó, mức giảm của hàng container là 8% so với tháng 7/2021.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục