Giá dầu thế giới đảo chiều đi lên sau nhiều tuần giảm giá

Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,5% (38 xu Mỹ) lên mức 72,21 USD/thùng, trong khi đó, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 0,8% (52 xu Mỹ) lên khép phiên ở mức 66,43 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đảo chiều đi lên sau nhiều tuần giảm giá ảnh 1Bể chứa dầu tại một cơ sở khai thác dầu ở Dammam, cách thủ đô Riyadh của Saudi Arabia 450km về phía đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng trong phiên 20/8 sau nhiều tuần giảm giá. Các nhà đầu tư ngày càng quan ngại về khả năng nguồn cung dầu từ Iran bất ngờ sụt giảm do các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong khi giảm lo ngại về việc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế.

Đóng cửa phiên này, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,5% (38 xu Mỹ) lên mức 72,21 USD/thùng. Trong khi đó, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 0,8% (52 xu Mỹ) lên khép phiên ở mức 66,43 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm tuần thứ ba liên tiếp trong khi giá dầu WTI hạ tuần thứ bảy do các lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại bởi các căng thẳng thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc và việc các nền kinh tế mới nổi yếu đi.

[Giá dầu châu Á biến động nhẹ do e ngại việc Mỹ trừng phạt Iran]

Bắc Kinh và Washington trong tuần trước cho biết hai bên sẽ tổ chức các cuộc đối thoại về thương mại trong tuần này, với kỳ vọng sẽ giải quyết được cuộc chiến thuế quan đang leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Brian Kessens, nhà quản lý danh mục kiêm giám đốc điều hành tại Tortoise, nhận định giá dầu thô giảm thời gian vừa qua phần lớn là do thương mại khi mọi người lo ngại rằng các mức thuế cao hơn và căng thẳng thương mại sẽ làm gia tăng mức độ bất ổn và có thể làm giảm nhu cầu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Khi những căng thẳng này dịu bớt, giá dầu được cho rằng nhìn chung sẽ quay lại xu hướng ngược lại.

Các nhà giao dịch cho biết các biện pháp trừng phạt Mỹ áp đặt với Iran đang hỗ trợ giá “vàng đen.”

Chính phủ Mỹ đã đưa ra các trừng phạt tài chính đối với Iran và từ tháng 11/2018 cũng sẽ nhắm đến lĩnh vực dầu mỏ của nhà sản xuất dầu lớn thứ ba Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này. Trung Quốc đã phát đi tín hiệu nước này muốn tiếp tục mua khối lượng lớn dầu Iran bất chấp sức ép từ Mỹ.

Dữ liệu chính thức mới nhất cho thấy xuất khẩu dầu của Saudi Arabia – “anh cả” của OPEC – tăng lên mức 7,240 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 6/2018./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục