Giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật lễ phục vua quan triều Nguyễn

Những hình ảnh cận cảnh trang phục của vua chúa, phi tần, quan lại triều Nguyễn bao gồm hoa văn, biểu tượng, màu sắc… sẽ được hé lộ trong cuốn sách của nhà nghiên cứu Trần Minh Nhựt.
Trang phục của Hoàng hậu và phi tần triều Nguyễn dưới góc nhìn của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trang phục của Hoàng hậu và phi tần triều Nguyễn dưới góc nhìn của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những hình ảnh cận cảnh trang phục của vua chúa, phi tần, quan lại triều Nguyễn bao gồm hoa văn, biểu tượng, màu sắc… sẽ được hé lộ trong cuốn sách mới xuất bản của tác giả-nhà nghiên cứu Trần Minh Nhựt (thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).

Cuốn sách “Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX” là công trình khảo cứu bộ tranh "Grande Tenue de la Cour d’Annam" (Đại lễ phục triều đình An Nam) của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12 năm 1902, dưới triều vua Thành Thái.

Độc giả sẽ được chiêm ngưỡng 54 bức tranh bằng màu nước được in ấn theo đúng nguyên bản từ ảnh chụp kỹ thuật số sắc nét của National Gallery Singapore – đơn vị nắm quyền sở hữu bộ tranh.

Giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật lễ phục vua quan triều Nguyễn ảnh 1Sách dày hơn 200 trang, do Nhà xuất bản Dân trí và Công ty Omega Plus ấn hành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo tác giả Trần Minh Nhựt, triều Nguyễn đã ghi dấu vào nền “văn hóa mặc” của Việt Nam một kho tàng trang phục độc đáo, có giá trị mỹ thuật lẫn giá trị lịch sử sâu sắc. Để phản ánh nền văn hóa áo mũ xa xưa này, nhiều tài liệu, ảnh chụp, tranh vẽ đã được thực hiện. Trong số đó, bộ tranh "Grande Tenue de la Cour d’Annam" của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân cũng được đánh giá như một tài liệu quan trọng về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật.

[Chiêm ngưỡng loạt cổ phục trong lịch sử nhân Ngày Di sản Văn hóa VN]

Do đó, tác giả Trần Minh Nhựt đã khảo cứu, giải mã ngôn ngữ tạo hình nghệ thuật, tìm hiểu sự tác động của nghệ thuật phương Tây trong giai đoạn giao thoa văn hóa Đông-Tây đầu thế kỷ XX, qua đó, tôn vinh tài năng của họa sỹ Nguyễn Văn Nhân và những đóng góp của ông cho nền mỹ thuật nước nhà.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn (Trưởng bộ môn Thiết kế Đồ họa, Đại học Greenwich Việt Nam) đánh giá: “Thông qua phân tích mỹ thuật học, tác giả đã nêu được những đặc trưng thẩm mỹ của các tác phẩm minh họa trong bộ tranh ‘Grande Tenue de la Cour d’Annam’ đồng thời cũng chứng minh được những ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây trên bộ tranh này.”

Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn cho rằng cuốn sách không đơn thuần giới thiệu những hình ảnh, mà còn trình bày các kết quả nghiên cứu mới của tác giả về bộ tranh “Grande Tenue de la Cour d’Annam” dựa trên những cơ sở khoa học, các tài liệu lịch sử đa dạng và đáng tin cậy để đánh giá khách quan về chủ thể được nghiên cứu, giúp độc giả hiểu rõ hơn về cấu trúc trang phục triều Nguyễn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục