Giảng viên đại học ở Anh đình công phản đối điều chỉnh lương hưu

Các giảng viên đại học thuộc hơn 50 trường đại học trên toàn nước Anh bắt đầu chiến dịch đình công kéo dài cả tháng để phản đối việc thay đổi chính sách lương hưu đối với họ.
Giảng viên đại học ở Anh đình công phản đối điều chỉnh lương hưu ảnh 1Theo kế hoạch mới, mức lương hưu cho các giảng viên sẽ bị giảm khoảng 10.000 bảng (tương đương 320 triệu đồng)/năm.(Nguồn: PA)

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ngày 22/2, các giảng viên đại học thuộc hơn 50 trường đại học trên toàn nước Anh bắt đầu chiến dịch đình công kéo dài cả tháng để phản đối việc thay đổi chính sách lương hưu đối với họ.

Tham gia biểu tình lãn công có cả giảng viên các trường đại học nổi tiếng thế giới như Oxford và Cambridge.

Trong khi đó, hơn 80.000 sinh viên đại học đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu các trường trả lại học phí cho những giờ học mà các giảng viên đình công không lên lớp.

Bộ trưởng phụ trách các trường đại học Sam Gyimah đã lên tiếng yêu cầu các bên cần có thêm những cuộc đàm phán và cho rằng sinh viên cần được lên lớp học đúng lịch trình mà họ đã trả tiền và thời điểm này là thời gian vô cùng quan trọng đối với sinh viên vì họ đang chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm.

Tuy nhiên, các giảng viên tham gia đình công cho biết họ sẽ không lên lớp và không dạy bù cho những tiết học bị mất chừng nào những yêu cầu về chế độ lương hưu của họ không được đáp ứng.

Nguyên nhân dẫn đến đình công là do theo kế hoạch mới, mức lương hưu cho các giảng viên sẽ bị giảm khoảng 10.000 bảng (tương đương 320 triệu đồng)/năm.

Các giảng viên ít thâm niên còn bị thiệt thòi hơn, khi họ có thể nhận được khoản lương hưu chỉ bằng 50% so với tổng thu nhập khi còn đi làm do quỹ hưu trí cho giảng viên bị thâm hụt.

Theo nghiệp đoàn giảng viên đại học, tổng số thời gian giảng dạy sẽ bị mất do đình công lên tới hơn 500.000 giờ, điều này khiến rất nhiều sinh viên bất bình vì họ cho rằng giáo dục là một công việc quan trọng không phải là thứ đem ra mua bán và sinh viên không nên bị coi là khách mua hàng.

Hệ thống giáo dục bậc đại học của Anh hiện đang gặp một số vấn đề liên quan đến tài chính. Sinh viên Anh phải trả mức học phí cao nhất trong các nước EU, còn các giảng viên thì bị cắt giảm lương hưu.

Mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng quan ngại về tình trạng mức học phí cao của một số trường đại học nhưng chất lượng lại không tương xứng, và vì mức học phí cao khiến nhiều sinh viên Anh rơi vào cảnh nợ nần sau khi tốt nghiệp.

Hiện nay mức học phí đại học cao nhất cho sinh viên Anh là 9.250 bảng (khoảng gần 300 triệu đồng)/năm. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp gánh trên vai một khoản nợ khoảng 50.000 bảng (1,6 tỷ đồng) từ các khoản vay để trả học phí, sách vở và tiền sinh hoạt phí trong thời gian đi học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục