Ngày 13/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký văn bản số 175/TTg-CN về việc đầu tư Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức PPP.
Phó Thủ tướng đồng ý giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư Dự án Cảng Hàng không Biên Hòa theo phương thức đối tác công tư như đề nghị của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quá trình triển khai Dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, một số địa phương đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư Cảng Hàng không mới theo phương thức đối tác công tư như Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng Hàng không Quảng Trị, Cảng Hàng không Sa Pa.
Khởi động Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư trên 5.830 tỷ đồng
Dự án Cảng Hàng không Quảng Trị được thực hiện tại các xã: Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai thuộc huyện Gio Linh có quy mô trên 265ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.830 tỷ đồng.
Các dự án này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng miền, kết nối quốc tế. Trong đó, Sân bay Vân Đồn đã đưa vào khai thác từ năm 2018, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và của quốc gia nói chung.
Sân bay Quảng Trị đã lựa chọn nhà đầu tư và đang triển khai thực hiện. Sân bay Sa Pa đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Việc triển khai các dự án nêu trên đã ghi nhận những thành công bước đầu trong việc áp dụng chủ trương, chính sách về phân cấp, phân quyền, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước đối với kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chủ trương giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án sân bay Biên Hòa.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trong quá trình thực hiện.
Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng Hàng không Biên Hòa là một trong những sân bay được quy hoạch là sân bay quốc nội phục vụ khai thác lưỡng dụng trong thời kỳ 2021-2030.
Ngày 24/11/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định Số 1485/QĐ-TTg sửa đổi Quy hoạch Tổng thể Phát triển Hệ thống Cảng Hàng không, Sân bay Toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định Số 1485/QĐ-TTg sửa đổi Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 648/QĐ-TTg.
Sân bay Quân sự Biên Hòa được xây dựng từ năm 1955, nằm tại phường Tân Phong, thuộc trung tâm của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; có vị trí thuận lợi, gần các khu dân cư lớn (cách thành phố Dĩ An-Bình Dương khoảng 20km, thành phố Thuận An-Bình Dương khoảng 30km; cách thị xã Tân Uyên-Bình Dương khoảng 30km; cách Vũng Tàu khoảng 90km; cách Bình Phước 130km; cách Thủ Dầu Một khoảng 35km và cách thành phố Thủ Đức khoảng 25km).
Sân bay Biên Hòa cách Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 25km về phía Đông Bắc; cách vị trí Cảng Hàng không quốc tế Long Thành khoảng 32km về phía Tây Bắc. Đây đang là sân bay quân sự cấp 1 với 2 đường cất hạ cánh, kết cấu bằng bê tông xi măng, kích thước 3.050x45m.
Diện tích đất Sân bay Biên Hòa khoảng 967ha, có khả năng bố trí khoảng 50ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.
Khi Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác dân sự, Đồng Nai sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước sở hữu cùng lúc hai sân bay phục vụ dân sự-thương mại là Sân bay Quốc tế Long Thành và Sân bay Lưỡng dụng Biên Hòa./.