Sau 7 năm gắn bó với nhãn Thái, đến nay cô Hoa đã nhân rộng gần hết diện tích đất vườn gần 2ha của gia đình. Là hộ đầu tiên của xã Song Phụng tiên phong trồng nhãn Thái, cộng với kinh nghiệm trồng nhãn da bò ngày trước nên vườn nhãn của cô Hoa đang sinh trưởng và phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh, thậm chí gia đình có thể xử lý ra hoa theo ý muốn.
Theo cô Hoa, ưu điểm của nhãn Thái là có thể kháng được bệnh chổi rồng. Bên cạnh đó, nhãn Thái rất được người tiêu dùng ưa chuộng do cơm dầy, hạt nhỏ, vị ngọt dịu lại dễ chăm sóc; thời gian sinh trưởng lại nhanh hơn nhãn da bò, chỉ sau 2 năm thì bắt đầu có quả, bình quân nhãn Thái có năng suất 1,4 tấn/công.
Trung bình một cây cho khoảng 25kg, cây mới trồng 2 năm tuổi đã cho thu hoạch khoảng 15kg. Đối với những cây được 4 năm tuổi cho quả khoảng 60kg/năm. Đặc biệt, lượng quả trong một chùm rất nhiều. Bên cạnh đó, giá nhãn Thái luôn cao gấp 2-3 lần so với nhãn da bò. Trong đợt thu hoạch vừa rồi, gia đình cô Hoa bán được 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi công nhãn thu về khoảng 30 triệu đồng.
Không chỉ thu nhập cao từ nhãn mà việc chiết cành bán cũng giúp gia đình thu về một khoản khá lớn. Chỉ tính trong năm 2010, gia đình cô Hoa cũng đã chiết bán được gần 1.000 nhánh, thu về gần 20 triệu đồng.
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 4.000ha nhãn, tập trung tại các xã Xuân Hòa, Thới An Hội, Phong Nẫm…của huyện Kế Sách và nhiều xã vùng ven của huyện Long Phú như Song Phụng, thị trấn Đại Ngãi…
Trong đợt dịch chổi rồng vừa qua, trên 80% diện tích nhãn trong tỉnh bị thiệt hại; riêng tại xã Song Phụng đã bị thiệt hại gần 285/351ha nhãn. Đến nay, ở 4 ấp của xã đều có trồng nhãn Thái với diện tích khoảng 2,7 ha nhưng chỉ có vườn cô Hoa là hộ đầu tiên có quả bán.
Ông Trần Hùng Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Phụng, cho biết sắp tới Hội Nông dân sẽ kiến nghị để ngành chuyên môn của huyện hỗ trợ kỹ thuật trong khâu chăm sóc và nhân rộng mô hình này. Đây sẽ là hướng mới cho việc chuyên canh nhãn ở nhiều nhà vườn trong tỉnh./.