Hà Nội linh hoạt phân khu, 'vùng xanh' bắt nhịp sản xuất

Từ vài ngày nay, tại một số cánh đồng địa bàn huyện Chương Mỹ, Gia Lâm đến Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì... của thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều nông dân ra ruộng đồng sản xuất trở lại.
Hà Nội linh hoạt phân khu, 'vùng xanh' bắt nhịp sản xuất ảnh 1Gia đình ông Phan Văn Nhân ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) duy trì chăn nuôi bò và lợn với quy mô nông hộ góp phần tăng nguồn cung thực phẩm hiện nay của nhân dân. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch và phát triển kinh tế, không để đứt gẫy vùng sản xuất, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng "đỏ," "vàng," "xanh" từ ngày 6-21/9.

Việc chia vùng của Hà Nội, theo một số chuyên gia đánh giá, là linh hoạt dựa trên lợi thế địa lý để tăng cường phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt.

Nhờ có cách làm này, nhiều "vùng xanh" ngoại thành của Hà Nội đã khôi phục, bắt nhịp lại sản xuất, kinh doanh, hướng tới trạng thái "bình thường mới."

[Hà Nội: Những cuộc "đánh chặn" thần tốc bước đầu đạt kết quả tích cực]

Từ vài ngày nay, tại một số cánh đồng địa bàn huyện Chương Mỹ, Gia Lâm đến Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì... của thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều nông dân ra ruộng đồng sản xuất trở lại.

Giờ họ không còn tụ tập đông người như trước mà tuân thủ giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi sản xuất nông nghiệp.

Trên cánh đồng lúa bát ngát đang độ chín rộ của huyện Ba Vì, thấp thoáng chiếc máy gặt liên hoàn cùng một vài nông dân đeo khẩu trang mặc bảo hộ kín mít đang đứng chờ cho thóc vào bao để mang về nhà phơi. Vùng xanh Ba Vì, nông nghiệp vẫn được duy trì sản xuất.

Ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, cho biết thời điểm này đang vào vụ thu hoạch lúa mùa, sản xuất vụ Đông năm 2021. Do vậy, ngay từ ngày 4/9, Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, thực hiện theo Chỉ thị số 20/CT-UBND.

Huyện khuyến khích sử dụng máy móc sẵn có trong huyện để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đảm bảo không để ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân.

Hà Nội linh hoạt phân khu, 'vùng xanh' bắt nhịp sản xuất ảnh 2Trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Phan Đình Lục ở xã Phú Phương, huyện Ba Vì, có tổng đàn 180.000 con/năm (tương đương 36 tấn thịt). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì, để thu hoạch hết diện tích 5.000ha lúa vụ Mùa nằm rải rác tại khắp các xã kịp thời vụ, huyện giao các xã lập danh sách, số điện thoại của hộ gia đình có ruộng trên từng xứ đồng.

Khi máy gặt đến vùng nào, ruộng nào thì sẽ gọi điện thông báo cho hộ gia đình; mỗi lần khoảng 3 hộ, mỗi hộ đại diện là 1 người. Khi gặt xong vùng này thì điều máy sang vùng khác.

Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cũng mở cửa cho các thương lái vào tiêu thụ nông sản nhưng phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch, có giấy chứng nhận test COVID-19 còn hiệu lực.

Đối với việc phơi lúa, các xã cũng quy định hộ gia đình chỉ ra một người để kiểm tra, không phơi gần nhau, phải giữ khoảng cách giữa các hộ.

Dự kiến, huyện Ba Vì sẽ thu hoạch xong diện tích lúa Mùa vào khoảng giữa tháng 9.

Được xác định nằm trong "vùng xanh" an toàn của huyện Thạch Thất, các xã Bình Yên, Tân Xã, Hạ Bằng, Thạch Hòa, Chàng Sơn, Cần Kiệm, Dị Nậu, Canh Nậu, Hương Ngải, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân vẫn đang duy trì sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

Như nghề mộc xã Hương Ngải, hiện nay các hộ ở đây vẫn đang tranh thủ thời gian thực hiện phục dựng những ngôi nhà gỗ cổ theo đơn đặt hàng trước đó. Mỗi hộ dân là một "công xưởng," sử dụng chính lao động của gia đình để sản xuất.

Từ ngày 5/9, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất ban hành văn bản số 10/PA-UBND về việc cho phép một số xã thuộc "vùng xanh" được hoạt động trở lại một số ngành nghề thì nhiều hộ dân ở đây đã mở rộng quy mô hơn.

Ông Vũ Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hương Ngải chia sẻ, hiện xã đã phê duyệt nhiều phương án cho các hộ sản xuất trở lại nhưng bắt buộc phải ký cam kết không vi phạm quy định phòng chống dịch. Quá trình sản xuất, Ủy ban Nhân dân có thể đến kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm quy định.

Thành phố Hà Nội xác định các huyện thuộc "vùng xanh" chính là "pháo đài" có nhiệm vụ "nạp năng lượng" cho "vùng đỏ" nội thành nhằm mục tiêu không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch trong tình hình mới.

Do vậy, việc các địa phương thuộc "vùng vàng" và "vùng xanh" xây dựng phương án phòng chống dịch sát với tình hình địa phương bao nhiêu, sẽ giúp đời sống, an sinh xã hội được cải thiện, "mạch máu" kinh tế được phục hồi, lưu thông bấy nhiêu.

Vì thế, trong những ngày giãn cách, tại quận Long Biên, việc sản xuất doanh nghiệp vẫn được duy trì. Nhiều doanh nghiệp ở đây đã xét nghiệm PCR hàng tuần cho những công nhân có nguy cơ cao để duy trì sản xuất.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Long Biên, các khu cụm, công nghiệp trên địa bàn được xác định là khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức cao. Theo đó, quận áp dụng khu vực này thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, vẫn đảm bảo việc sản xuất kinh doanh trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên tinh thần" 3 tại chỗ."

Doanh nghiệp có trên 500 công nhân trở lên, quận chỉ đạo thực hiện theo quy định "1 cung đường 2 điểm đến" nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Đối với những doanh nghiệp nhỏ hơn, sản xuất ở khu vực an toàn, quận sẽ quy định số lao động được phép đi về nhưng kiểm soát giấy đi đường và chỉ duy trì khoảng 30% số lao động so với thực tế. Nhờ đó, quận Long Biên vẫn duy trì được việc làm cho người lao động, đảm bảo phòng chống dịch.

Huyện Gia Lâm cũng đã cho những công trình xây dựng thuộc các xã "vùng xanh" hoạt động trở lại. Tuy nhiên, phương án thi công phải được chính quyền địa phương phê duyệt. Những người lạ không được vào khu vực xã.

Công trường được kiểm soát chặt chẽ, đo thân nhật, khai báo y tế, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

Dù tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội vẫn còn đang diễn biến khó lường. Tuy nhiên, với việc phân vùng của thành phố và mạnh dạn, sáng tạo của mỗi địa phương trong triển khai thực hiện được kỳ vọng sẽ giúp Thủ đô khóa nhanh, xóa gọn "vùng đỏ," mở rộng và bảo vệ vững chắc "vùng xanh," hướng tới trạng thái "bình thường mới"./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục