Trong những tháng đầu năm 2014, kinh tế Thủ đô đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm…
Tuy nhiên, với sự chủ động thực hiện các giải pháp kế tiếp từ cuối năm 2013 nên kinh tế Hà Nội vẫn tiếp tục tăng trưởng với tổng sản phẩm quý II ước tăng 8,1%, cao hơn quý I và cùng kỳ năm 2013.
Ngay từ đầu năm, thành phố ban hành chương trình hành động, tổ chức quán triệt nhiệm vụ đến tất cả các cấp, các ngành; đồng thời phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện nhiệm vụ để hoàn thành kế hoạch ngay những tháng, quý đầu năm. Hai lĩnh vực thành phố dồn sức cao độ thực hiện là “Năm trật tự văn minh đô thị” và chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hà Nội có kế hoạch riêng về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để giúp đỡ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thành phố đã tổ chức 4 hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo và các doanh nghiệp để tiếp thu những băn khoăn, vướng mắc, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Giải pháp này còn được thực hiện đồng loạt, cụ thể giữa các cấp, ngành với doanh nghiệp như Cục Hải quan tổ chức 3 cuộc gặp mặt, Cục Thuế có 98 buổi tập huấn cho gần 60.000 doanh nghiệp tham gia về các chính sách thuế mới và 20 cuộc đối thoại với gần 5.000 doanh nghiệp…
Thành phố cũng thành lập và chỉ đạo 7 tổ công tác khảo sát trực tiếp các hoạt động của khoảng 70 doanh nghiệp.
Cùng với các giải pháp trên, chính sách hỗ trợ vay vốn là vấn đề được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Hà Nội đã kịp thời chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp, trong đó đã hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho nhiều đơn vị với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, thành phố đã giảm, gia hạn thuế, giảm tiền thuê đất trên 1.300 tỷ đồng; tiếp nhận 58 hồ sơ gia hạn nộp tiền sử dụng đất với số tiền dự kiến trên 13.000 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực quan trọng khác là bất động sản đã có 57 dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại và chuyển đổi 6.000 căn nhà này thành 11.000 căn hộ nhà ở xã hội; có 41 dự án đề nghị điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại với số căn điều chỉnh 17.398 thành 23.955 căn hộ.
Với những tháng còn lại trong năm, thành phố Hà Nội đề ra 7 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng và thực hiện đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp; hoàn thành quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời xem xét điều chỉnh giảm giá thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho.
Song song với tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, thành phố cũng đẩy mạnh đấu giá đất để huy động nguồn vốn cho phát triển.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tích cực triển khai các dự án đầu tư, các công trình trọng điểm, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm, chỉ đạo tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế; điều hành chi ngân sách hiệu quả, tiết kiệm; huy động 5.000 tỷ đồng trái phiếu Thủ đô để đẩy nhanh dự án trọng điểm.
Mặt khác, thành phố phấn đấu phê duyệt 10 đồ án quy hoạch chung xây dựng cho cấp huyện, 5 đồ án quy hoạch chung thị trấn huyện lỵ, 7 đồ án quy hoạch phân khu, phấn đấu đến hết năm 2014 hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tình hình bất động sản đang “ấm” lên cũng là điều kiện thuận lợi trong những tháng tiếp theo. Tuy nhiên, thành phố luôn trăn trở nhất là lĩnh vực thu hút đầu tư, nhất là đầu tư từ nước ngoài. Vì vậy, Hà Nội đang cố gắng hết sức để xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, tạo sự công bằng, bình đẳng và thông thoáng cho doanh nghiệp muốn vào địa bàn Thủ đô./.