Hai kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan

Các bánh xe của “cỗ máy” Kazakhstan đang bắt đầu tiến tới những mét đất cuối cùng trước vực thẳm và trên thực tế, chỉ có hai lựa chọn cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này.
Hai kịch bản cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan ảnh 1Người biểu tình tập trung tại thành phố Almaty, Kazakhstan ngày 5/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Exclusive.kz, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Kazakhstan là hệ quả của những tính toán sai lầm chiến lược và những lỗi lầm của ban lãnh đạo Kazakhstan trong thập kỷ rưỡi qua.

Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng Kazakhstan

Trong suốt những năm 1990 và 2000, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã khéo léo đóng vai trò “người sáng lập” của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), tận dụng lời nói để đạt được mối quan hệ tối đa với Nga, kết quả là đã đạt được một vị trí đặc biệt trong không gian hậu Xô Viết.

Nước cộng hòa này đã phát triển và củng cố nền kinh tế của mình, củng cố quan hệ với Moskva, Bắc Kinh và các nước khác. Nhưng sau khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền ở Nga với chủ trương khôi phục nước Nga với tư cách là một đế chế hùng mạnh trên thế giới, ông Nazarbayev nhận ra các quy trình hướng tâm trong SNG vẫn hướng về Moskva và có thể đe dọa đến vị thế gia tộc của ông, do đó ông đã quyết định thành lập cái gọi là giới "tinh hoa quốc gia" Kazakhstan càng độc lập với Moskva càng tốt.

Hàng nghìn người Kazakhstan đã được gửi đến học tập không phải ở Moskva, mà đến London, Paris, Ankara, Tokyo. Chính họ đã tạo nên đội ngũ quản lý cấp cơ sở và giới kinh doanh ưu tú vào đầu thập kỷ trước. Các tổ chức phi chính phủ bắt đầu xuất hiện ở Kazakhstan, rồi mọc lên “như nấm sau mưa."

Đến cuối tháng 9/2021, người ta đã thống kê được không dưới 16.000 tổ chức như vậy. Đồng thời, các chuyên gia bắt đầu ghi nhận sự chuyển hướng trong tư tưởng nhà nước từ thân Nga sang đường lối giữ khoảng cách với Nga ngày càng rõ ràng hơn và ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Kazakhstan.

Đến năm 2015, những quan điểm tư tưởng này càng được củng cố và thái độ tiêu cực đối với Nga như một quốc gia thù địch và là nguồn gốc của mọi vấn đề ở Kazakhstan hiện đại bắt đầu được hình thành một cách có hệ thống trong ý thức dân tộc Kazakhstan.

Hậu quả là, “đoàn xe” của nhà nước Kazakhstan bắt đầu bước vào một ngã rẽ nguy hiểm. Tại đó, nó bị kéo xuống vực thẳm bởi những tầng lớp chống nhân dân, coi thường người dân của họ. Mặt khác, chính sách kinh tế được hình thành bởi những người theo chủ nghĩa thị trường tự do điên cuồng từng được gửi đến học tập ở các trường đại học Sorbonne, Oxford và các trường khác của giới thượng lưu phương Tây.

Vấn đề chính ở đây là Kazakhstan không thuộc phương Tây, không phải là phương Tây, và sẽ không bao giờ trở thành một phần của nền văn minh phương Tây. Tình hình kinh tế mất cân bằng nhanh chóng bắt đầu hiện ra khi các vùng có nguyên liệu thô, các vùng công nghiệp phía Bắc đang được phát triển tích cực, nhưng các vùng nông nghiệp, thảo nguyên phía Nam và phía Tây ngày càng suy giảm. Sự bất mãn tăng lên nhanh chóng.

Cách mạng hay đảo chính?

Từ ngày 2/1, Kazakhstan bắt đầu rung chuyển với những vụ nổi dậy càng lúc càng mạnh mẽ. Đám đông ban đầu phản đối giá năng lượng tăng, nay đòi phải thay đổi chế độ. Tờ Libération của Pháp đặt câu hỏi liệu đó là một cuộc cách mạng hay đảo chính?

Tối 5/1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev xuất hiện trên truyền hình, khẳng định sẽ cứng rắn với người biểu tình nhưng cũng hứa sẽ cải cách. Đồng thời, ông khẳng định từ nay sẽ giữ luôn vai trò Chủ tịch Hội đồng An ninh. Tuyên bố này đã gây sửng sốt cho tất cả những ai biết về chính trường Kazakhstan.

Chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng An ninh đã có chủ và đó chính là ông Nursultan Nazarbayev, “Elbasy” (cha già dân tộc) 81 tuổi, đã “trị vì” từ năm 1984 đến nay. Tượng của ông được dựng tại tất cả những thành phố lớn của Kazakhstan và thủ đô đất nước được vinh dự mang tên ông, Nur-Sultan!

Năm 2019, ông Nazarbayev đã nhường chức tổng thống cho nhân vật ít tên tuổi là ông Tokayev để làm Chủ tịch Hội đồng An ninh, một chức vụ “đo ni đóng giày” cho ông. Vào thời đó, sự kiện này gây chấn động tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Lên làm “thái thượng hoàng” rồi giựt dây sau hậu trường, “kịch bản Kazakhstan” sẽ là hình mẫu cho các chế độ trong khu vực?

Thế mà giờ đây người kế nhiệm chỉ bằng một câu nói đã giành lấy chiếc ghế ngỡ là suốt đời của ông Nazarbayev. Các nhà ngoại giao Nga tiết lộ ông Nazarbayev đã sang Moskva để “chữa bệnh."

Theo tin đồn, gia đình ông cũng chuẩn bị ra đi, kể cả con gái là Dariga vốn có ảnh hưởng chính trị lớn. Nhân vật số hai của cơ quan tình báo, là cháu của Nazarbayev, cũng đã bị cách chức. Ông Tokayev nay “một mình một chợ”, một tình trạng khó thể tưởng tượng cách đây vài ngày.

Hai kịch bản cho Kazakhstan

Giờ đây, các bánh xe của “cỗ máy” Kazakhstan đang bắt đầu tiến tới những mét đất cuối cùng trước vực thẳm. Trên thực tế, chỉ có hai lựa chọn cho sự phát triển của các sự kiện.

Kịch bản thứ nhất: Tổng thống Tokayev mất quyền lực. Mọi thứ sẽ phát triển theo "kịch bản Kyrgyzstan" khi tổng thống phải từ chức trước làn sóng biểu tình. Sau đó, các bước đi nhằm hợp pháp hóa sự nắm quyền sẽ được phô trương với bên ngoài thông qua "bầu cử tự do" với người chiến thắng được xác định trước và thời kỳ của giới lãnh đạo quốc gia sẽ kéo dài cho tới cuộc đảo chính tiếp theo.

Đối với giới thượng lưu thân phương Tây, với diễn tiến của các sự kiện như vậy, chỉ có một sự lựa chọn đó là lên máy bay chạy sang phương Tây thông qua ngả Moskva, Baku hoặc tệ nhất là Istanbul. Không cần chờ đợi kết quả của các sự kiện sẽ diễn ra như thế nào, trong thời điểm cao trào của khủng hoảng người ta thấy hàng loạt các chuyên cơ rời khỏi Kazakhstan theo mọi hướng.

[Bạo loạn ở Kazakhstan gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản]

Trong bối cảnh đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ cố gắng lấp đầy bất kỳ khoảng trống chính trị nào có thể. Họ sẽ là “con thiêu thân” cho bất kỳ cuộc “cách mạng” mới nào và sẽ cởi trói cho bạo lực và trộm cướp...

Tất nhiên, các chiến binh thánh chiến cũng sẽ cố gắng tận dụng khoảng trống chính trị. Trước đây, họ hoạt động ngầm và thực hiện công việc của mình ở những vùng nghèo nhất ở phía Tây và Nam (vùng Atyrau, Tây Kazakhstan, Aktobe, Turkmen, Dzhambul, Almaty), thường cải trang thành những người theo chủ nghĩa dân tộc nhằm liên kết ý tưởng quốc gia với Hồi giáo cực đoan. Thời bình, ảnh hưởng của họ là rất ít, nhưng trong thời kỳ hỗn loạn, họ sẽ cố gắng thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc và hình thành một thế lực thực sự trong chính trường.

Kịch bản thứ hai: Tổng thống Tokayev có thể kiểm soát tình hình và trấn áp bạo loạn. Vào thời điểm quan trọng, nhà lãnh đạo Kazakhstan đã quay sang yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hỗ trợ. Tất nhiên, ông Tokayev sẽ nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ CSTO và nhờ đó sẽ có thể đối phó với những cuộc bạo loạn đang bùng phát.

Trong trường hợp này, Kazakhstan sẽ phải đối mặt với một thời gian dài trong tình trạng đặc biệt, các vụ bắt bớ và xử lý những kẻ bạo loạn, các phiên tòa và bản án. Nhưng đồng thời, Tokayev sẽ phải nghiêm túc thay đổi cơ cấu quyền lực. Tiến hành cắt giảm những tầng lớp già “hóa đá” và vô dụng, đối phó với bọn “tự do phương Tây” đã đưa nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng, đưa những người theo chủ nghĩa dân tộc vào dây trói...

Nhưng bất cứ ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Nur-Sultan sẽ vẫn ở trong thế yếu, cần sự bảo trợ và giúp đỡ, cần người “hợp thức hóa” chiến thắng, người sẽ cung cấp các khoản vay để khôi phục nền kinh tế đã sụp đổ và sẽ hỗ trợ về mặt tổ chức. Và đó sẽ không phải là Ba Lan hay vùng Baltic, cũng không phải Đức và Pháp, thậm chí cả Mỹ, những nước đã hăng hái thực hiện việc "bơm" mọi nguồn lực cho Ukraine 8 năm trước.

Có lẽ có Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng quốc gia này chỉ có thể “nhảy qua” biển Caspi khi có sự cho phép của Moskva và Tehran. Chỉ còn lại Nga và Trung Quốc. Và sự lựa chọn ở đây là hiển nhiên: Nga!

Lực lượng duy nhất có khả năng bảo tồn Kazakhstan với tư cách là một quốc gia có chủ quyền là Nga. Nhưng liệu Nga có hứng thú với điều này không? Tổng thống Kazakhstan cầu viện người bạn lớn Nga, nhưng phát ngôn viên Điện Kremlin nói rằng điều quan trọng là không có ai can thiệp từ bên ngoài, nên Kazakhstan có thể tự giải quyết chuyện nội bộ. Như vậy đã rõ: một khi Moskva không thấy có bàn tay phương Tây, họ sẽ không muốn xen vào.

Tình hình Kazakhstan khác với Belarus, từ khi độc lập đến nay Kazakhstan luôn giữ thăng bằng giữa Nga và Trung Quốc, đồng thời có quan hệ tốt với châu Âu về thương mại và Mỹ về đầu tư. Tại đất nước lớn nhất trong số 5 nước Cộng hoà thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á, Nga có ít lợi ích địa chính trị hơn so với Belarus./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục