Chỉ cần nhìn vào kết quả hoạt động của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam sau khi đội tuyển quốc gia giành vô địch AFF Suzuki Cup 2018 vào cuối tuần qua, là có thể hiểu được Park Hang-seo có tầm ảnh hưởng lớn đến mức nào ở Việt Nam.
Theo báo Korea Times, hoạt động kinh doanh của các công ty Hàn Quốc đã phát triển bùng nổ tại Việt Nam trong bối cảnh "cơn sốt Park Hang-seo" lên tới đỉnh điểm.
Một sự kiện xúc tiến bán hàng kéo dài 3 ngày do Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức đã thu hút hơn 15.000 lượt khách.
Sau trận chung kết Suzuki Cup, doanh số bán hàng tại chỗ đã dễ dàng vượt ngưỡng 23 triệu won (20.360 USD), theo KOTRA.
"Một ngày trước trận đấu cuối cùng, doanh số đã đạt tới 15 triệu won, nhưng tổng doanh số đã tăng vọt lên 25 triệu won vào thời điểm đội tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup," một quan chức thuộc KOTRA cho biết.
"Doanh số trực tuyến sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối tháng 12 và tổng doanh thu được dự kiến sẽ đạt tới 200 triệu won (177.000 USD) vào cuối năm."
Số người theo dõi kênh YouTube của Cam Tươi, một vloger trong lĩnh vực làm đẹp của Việt Nam, chuyên sản xuất các video đánh giá các sản phẩm trang điểm, đã tăng vọt sau khi đăng tải một video về các sản phẩm của Hàn Quốc.
Hơn 100.000 người đã đăng ký theo dõi kênh của cô chỉ trong vài tuần sau khi cô đăng tải video này.
[HLV Park Hang-seo được truyền thông Hàn Quốc ca ngợi như người hùng]
KOTRA đã chọn Cam Tươi và 13 người có ảnh hưởng khác trên các phương tiện truyền thông xã hội làm gương mặt đại diện nhằm quảng bá cho sự kiện bán hàng thông qua mạng xã hội.
Theo KOTRA, quyết định cắt giảm thuế được đưa ra gần đây sau khi thực thi Hiệp định thương mại tự do Hàn-Việt cũng đem lại tác động tích cực đối với doanh số của các sản phẩm Hàn Quốc.
Với độ tuổi trung bình là 30,9 và dân số 100 triệu người, Việt Nam có tới hơn 60% dân số sử dụng điện thoại thông minh và 52 triệu người hoạt động thường xuyên trên Facebook.
Các sản phẩm thực phẩm Hàn Quốc cũng hưởng lợi từ "cơn sốt Park Hang-seo." Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 của Hàn Quốc cho biết doanh thu của họ sau khi Việt Nam vào tới vòng bán kết Suzuki Cup đã tăng 12,1%.
Loại bánh kẹp "Idol" của GS25 cùng nhiều sản phẩm khác đều rất được yêu thích nhờ sức ảnh hưởng của vị huấn luyện viên người Hàn Quốc. Từ khi được bán ra tại Việt Nam vào ngày 14/12, loại bánh kẹp này đã đứng đầu về doanh số các mặt hàng thực phẩm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi này. GS25 không đề cập tới số lượng bánh được bán ra.
Tại Hàn Quốc, hơn 7 triệu chiếc bánh kẹp Idol đã được bán ra kể từ khi được tung ra thị trường vào tháng 9. Doanh số của các loại đồ ăn vặt, bia và đồ uống Hàn Quốc cũng gia tăng sau khi Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup.
"Thị trường tiêu dùng Việt Nam đang phát triển khi nước này duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm gần 7%," Kim Doo-young, phó chủ tịch điều hành về tăng trưởng đổi mới tại KOTRA cho biết. "Thị trường kêu gọi chúng tôi vạch ra những chiến lược cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến để đáp ứng nhu cầu của địa phương."
Ông cũng chỉ ra xu hướng mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, đó là tới thăm các cửa hàng trước khi mua một sản phẩm nào đó qua mạng.
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho các công ty thuộc lĩnh vực ngân hàng của Hàn Quốc.
Hưởng lợi nhiều nhất từ "cơn sốt Park Hang-seo" có lẽ là Shinhan Bank, khi ngân hàng này hồi đầu năm đã chỉ định ông Park làm đại sứ danh dự, tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài nước tới các quốc gia Đông Nam Á.
Ngay từ trước chiến thắng của Việt Nam trong trận chung kết AFF Suzuki Cup, Shinhan Bank Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng số lượng khách hàng từ 1 triệu khách vào tháng 3, khi ông Park Hang-seo trở thành gương mặt thương mại của ngân hàng này, lên 1,2 triệu tính đến ngày 10/12. Số lượng người sử dụng dịch vụ Internet Banking cũng tăng từ 124.000 người lên 180.000 người trong cùng kỳ.
Khi xét tới phản ứng của công chúng Việt Nam trước chiến thắng của đội tuyển và "cơn sốt Park Hang-seo," những con số cuối cùng của năm 2018 được dự kiến sẽ tăng cao rõ rệt, theo các quan chức thuộc ngân hàng này.
Các ngân hàng khác của Hàn Quốc cũng hy vọng có thể thúc đẩy công việc kinh doanh nhờ có tình cảm mà người hâm mộ dành cho ông Park, và có thể gia tăng số lượng văn phòng địa phương và quy mô dịch vụ trong những năm tới.
Trong số đó phải kể tới Woori Bank, với văn phòng đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội mở cửa hoạt động vào năm 1997. Ngân hàng này đặt ra mục tiêu trung hạn là trở thành ngân hàng hàng đầu của Việt Nam vào năm 2026./.