Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại

Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định chuyển một di sản từ Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại ảnh 1Hát Xoan là di sản đầu tiên trên thế giới được UNESCO đồng ý rút khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, chuyển sang Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO (diễn ra sáng 8/12) tại đảo Jeju (Hàn Quốc), Hát Xoan đã được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn h phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc,” đại diện Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.

Trước đó, vào ngày 24/11/2011, UNESCO đã ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Nỗ lực phục hồi

Báo cáo định kỳ quốc gia về tình trạng của Hát Xoan chỉ rõ, trong thời gian qua, những nỗ lực của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của di sản này kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Cụ thể, vào năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công (trong đó, hơn một nửa đã trên 60 tuổi), hoạt động không thường xuyên. Đến nay, số thành viên của các phường đạt gần 200 người (với độ tuổi trung bình là 35).

Nếu như ở thời điểm năm 2009 chỉ có 7 người trong tổng số 31 nghệ nhân cao tuổi (từ 80-104 tuổi) có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan thì đến nay, đã có 62 người kế nhiệm được đào tạo, trang bị đầy đủ các kỹ năng để truyền dạy.

[UNESCO chính thức đưa Hát Xoan khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp]

Bên cạnh đó, đánh giá Ủy ban Liên Chính phủ về thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) cũng chỉ rõ, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt (thực hiện từ năm 2013 và tiếp tục cho đến năm 2020) đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng.

Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại ảnh 2Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy Hát Xoan cho thế hệ trẻ. (Ảnh: TTXVN)

Việc truyền dạy Hát Xoan được triển khai đồng thời với việc đào tạo, phổ biến kiến thức về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế, giới thiệu di sản trong trường học…

Di sản Hát Xoan đã được kiểm kê rộng rãi với sự tham gia của cộng đồng từ năm 2012 và các thông tin được cập nhật hàng năm.

Bởi vậy, Ủy ban Liên Chính phủ đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc đưa Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam cho biết, Hát Xoan (còn có tên gọi khác là Hát Lãi Lèn, Hát Đúm, Hát Thờ, Hát Cửa đình) là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân Phú Thọ.

Hát Xoan thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về để tưởng nhớ công ơn các vua Hùng, đón chào năm mới và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no đủ, quốc thái dân an.

Theo thông báo từ Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Hồ sơ đề cử Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đáp ứng được các tiêu chí sau:

1/ Những thực hành di sản Hát Xoan là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng. Các học viên Xoan được tổ chức thành các phường hát với người đứng đầu được gọi là các ông/bà “Trùm.”

Đó là những người bảo tồn các bài hát, chọn đệ tử, truyền dạy bài bản, phong cách hát và tổ chức các hoạt động của phường.

Thông báo của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể khẳng định: “Hồ sơ đề cử thể hiện cách thức các cộng đồng đã đầu tư nhiều công sức vào việc phổ biến kiến thức và truyền dạy Hát Xoan cho những người lưu giữ mới, từ đó, chức năng xã hội của việc thực hành được tăng cường. Hát Xoan tạo ra sự gắn kết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau của cộng đồng cư dân bản địa, thể hiện sự kế tục qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay.”

Bên cạnh đó, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cũng được thể hiện rõ ở di sản này. “Không có yếu tố nào của Hát Xoan không tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người hoặc cản trở sự phát triển bền vững,” thông báo của Ủy ban Liên Chính phủ nhấn mạnh.

2/ Di sản này đã trải qua thời kỳ mai một nghiêm trọng (trong thế kỷ 20) và đã được khôi phục thành công nhờ vào những nỗ lực đáng kể của cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác. Bởi vậy. việc đưa Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là ví dụ về một di sản được thực hành hiệu quả; từ đó, tạo ra cảm hứng đối thoại với cộng đồng trên toàn thế giới về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Đây cũng là cơ hội để tôn vinh các nghệ nhân, khuyến khích họ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ trẻ.

Hát Xoan: Từ bảo vệ khẩn cấp đến di sản phi vật thể của nhân loại ảnh 3Đoàn Việt Nam tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO . (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa)

3/ Các nỗ lực phục hồi được xem xét trong khuôn khổ của dự án dài hạn về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan (giai đoạn 2013-2020). Các cộng đồng, nhóm và cá nhân liên quan đảm bảo cho sự tồn tại của di sản này (thông qua các nghiên cứu và nỗ lực nhằm thu thập, phục hồi và và truyền dạy các bài bản Xoan, thành lập phường Xoan và tổ chức các câu lạc bộ Hát Xoan).

“Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền đã đầu tư khá nhiều vốn và nguồn nhân lực vào việc bảo vệ truyền thống. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất là thực tế và khả thi, bao gồm: thành lập quỹ bảo vệ Xoan, hỗ trợ cho mỗi Hội Xoan, phục hồi không gian Xoan, tổ chức các các khoá tập huấn, các lễ hội có trình diễn Xoan, xuất bản sách, tài liệu về hát Xoan và xây dựng các chương trình truyền thông thường xuyên. Khảo sát về tính khả thi của di sản được thực hiện thường xuyên,” thông báo của Ủy ban Liên Chính phủ chỉ rõ.

4/ Quá trình xây dựng hồ sơ đề cử đã được tiến hành với sự tham gia tích cực của cộng đồng trong bốn phường Xoan; tham vấn ý kiến các học viên và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Cục Di sản Văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản văn hoá Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam.

Điều này đã được chứng minh thông qua việc cung cấp các văn bản đồng thuận từ các thành viên cộng đồng và các cán bộ quản lý văn hóa của địa phương.

5/ Di sản này đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của Việt Nam năm 2012. Cùng với các cộng đồng liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã cập nhật việc kiểm kê Hát Xoan trong giai đoạn từ 2012-2015.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam còn có 11 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ (2009), Hội Gióng (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012), Đờn ca tài tử (2013), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co (2015), Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016) và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (2017) và Hát Xoan (2017).

Bên cạnh đó, năm 2009, Ca trù cũng đã được đưa vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục