Hệ thống điện quốc gia được bổ sung thêm 560 MW công suất

Trong 6 tháng đầu năm nay, EVN đưa vào phát điện 5 tổ máy, tăng năng lực hệ thống điện Quốc gia thêm 560 MW, gồm 4 tổ máy của Thủy điện Trung Sơn và tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình.
Hệ thống điện quốc gia được bổ sung thêm 560 MW công suất ảnh 1(Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, EVN đưa vào phát điện 5 tổ máy, tăng năng lực hệ thống điện Quốc gia thêm 560 MW, gồm 4 tổ máy của Thủy điện Trung Sơn và tổ máy 1 Nhiệt điện Thái Bình.

Bên cạnh đó, Tập đoàn đã đưa vào phát điện thương mại 2 tổ máy Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3. Riêng tổ máy 2 dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã tiến hành đốt dầu lần đầu và dự kiến phát điện thương mại trong tháng 12/2017. Tổ máy 1 của dự án này dự kiến phát điện thương mại vào tháng 6/2018.

Hiện tại, EVN đang tập trung thi công để đáp ứng tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt các dự án nguồn điện đảm bảo cấp điện miền Nam đến năm 2020 như: Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng...; các dự án trọng điểm như: Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng và các dự án nguồn điện mới được giao tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Tân Phước...


[Hệ thống điện quốc gia bước vào giai đoạn vận hành khó khăn]

Đối với dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Tập đoàn đang tiến hành rà soát, đánh giá các công việc liên quan sau khi Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện dự án.

Đối với các dự án lưới điện, trong 6 tháng, EVN đã hoàn thành đưa vào vận hành 56 công trình lưới điện từ 110-500 kV với khối lượng tăng thêm khoảng 360 km đường dây và 3.990 MVA công suất máy biến áp.

Cụ thể, Tập đoàn đã hoàn thành các công trình phục vụ đấu nối Nhiệt điện Thăng Long, Nhiệt điện Thái Bình, hoàn thành nâng công suất tại trạm 500 kV Cầu Bông để cấp điện miền Nam. Bên cạnh đó, EVN cũng hoàn thành đưa vào vận hành đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa – Đông Anh và các trạm 500/220 kV Đông Anh, 220 kV Bắc Ninh 3 để cấp điện cho thành phố Hà Nội và lân cận; trong đó có phụ tải SAMSUNG - Bắc Ninh.

Hiện EVN đang tập trung thực hiện công trình đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2, các công trình lưới điện đồng bộ các nguồn điện mới, các công trình lưới điện cấp bách đảm bảo cấp điện miền Nam, thành phố Hà Nội và các khu vực phụ tải lớn.

Như vậy, tổng giá trị đầu tư xây dựng của toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 55.000 tỷ đồng, bằng 40,13% kế hoạch. Giá trị giải ngân vốn cũng đạt khoảng 49.000 tỷ đồng, bằng 35,75% kế hoạch.

Trong 6 tháng cuối năm, EVN tiếp tục đưa vào vận hành 5 tổ máy để tăng năng lực hệ thống điện thêm 1.075 MW, nhằm đảm bảo cả năm 2017 đưa vào phát điện 1.635 MW như kế hoạch đề ra. Cụ thể, Thủy điện Thác Mơ mở rộng (công suất 75 MW) sẽ đi vào vận hành trong tháng 7 tới, Thủy điện Sông Bung 2 (100 MW) trong tháng 8 và 9/2017, tổ máy 2 - Nhiệt điện Thái Bình (300 MW) trong tháng 11/2017, tổ máy 2 Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (600 MW) trong tháng 12/2017. Mặt khác, Tập đoàn cũng tập trung đảm bảo tiến độ các dự án sẽ phát điện trong năm 2018, gồm tổ máy 1 Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng.

Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm, EVN sẽ phấn đấu hoàn thành 238 công trình lưới điện từ 110-500 kV; trong đó đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ đối với các công trình trọng điểm phục vụ cấp điện miền Nam, cấp điện thành phố Hà Nội, cấp điện cho Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng và các phụ tải lớn.

Đặc biệt, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ khởi công 244 công trình từ 110-500 kV; trong đó phấn đấu khởi công đường dây 500 kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 trong tháng 9/2017. Đồng thời đảm bảo tiến độ thi công và giải ngân đối với các dự án cấp điện nông thôn phù hợp với phân bổ vốn ngân sách Nhà nước năm 2017 và nguồn vốn ODA.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư nguồn và lưới điện, đảm bảo chất lượng, EVN tập trung bố trí đủ vốn để giải ngân cho các công trình trọng điểm, các công trình hoàn thành trong năm. Chủ động rà soát danh mục đầu tư để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cần thiết, đồng thời sẵn sàng các phương án, giải pháp để đầu tư bổ sung các dự án điện cấp bách đáp ứng các nhu cầu điện mới của các nhà đầu tư.

Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị, lập dự án đầu tư, thẩm định phê duyệt chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, phương án lựa chọn công nghệ, phương thức mua sắm.

Mặt khác, kiện toàn, củng cố các Ban quản lý dự án, bố trí đủ cán bộ quản lý, giám sát đối với từng lĩnh vực. Các Ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch tiến độ thi công, đảm bảo nhân lực, thiết bị thi công… đôn đốc và giám sát chặt chẽ các nhà thầu. Tổ chức giao ban thường xuyên để điều hành, quản lý tiến độ, chất lượng và giải quyết kịp thời các phát sinh.

Các ban chuyên môn của Tập đoàn và các Tổng công ty cũng hướng dẫn kịp thời các đơn vị các quy định mới về đầu tư xây dựng và các loại đơn giá định mức mới ban hành. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan giải quyết nhanh các thủ tục hoặc tháo gỡ các vướng mắc khi áp dụng các quy định pháp luật mới.

Hiện EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét phê duyệt cơ chế đặc thù để quản lý, thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện phát triển điện lực Quốc gia và bổ sung các dự án nguồn điện của EVN vào danh mục các dự án điện cấp bách.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép EVN và các đơn vị không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư đối với các dự án điện nhóm A đã nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với công tác thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở/dự toán, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương ủy quyền cho EVN tự thẩm định các dự án do EVN quyết định đầu tư hoặc được ủy quyền quyết định đầu tư. Mặt khác, cho phép EVN được ủy quyền lại cho các đơn vị thành viên được thẩm định, quyết định đầu tư một số dự án do các đơn vị làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, EVN cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A không sử dụng vốn đầu tư công, có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng. Trước mắt để đảm bảo tiến độ các dự án, cho phép EVN trình Bộ Công Thương (cơ quan đại diện chủ sở hữu của EVN) phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục