Hội Lim 2018: Mạnh tay xử lý hiện tượng chủ động ‘ngả nón xin tiền’

Lễ hội vùng Lim năm 2018 diễn ra trong hai ngày (12, 13 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày 27, 28/2) tại thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão (huyện Tiên Du, Bắc Ninh).
Hội Lim 2018: Mạnh tay xử lý hiện tượng chủ động ‘ngả nón xin tiền’ ảnh 1Hát quan họ tại lễ hội Lim 2017. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến việc tổ chức lễ hội Lim năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng ban tổ chức khẳng định: “Ban tổ chức sẽ đề nghị các liền anh, liền chị không chủ động ‘ngả nón xin tiền,’ tạo ra những hình ảnh phản cảm, ấn tượng xấu đối với du khách.”

Tại các lán hát, ban tổ chức yêu cầu chỉ hát giao lưu quan họ, nghiêm cấm hát nhạc mới và các loại hình âm nhạc truyền thống khác (như hát chèo, hát văn…).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết thêm, trong mùa lễ hội 2018, ban tổ chức hội Lim cũng nghiêm cấm các cá nhân, tập thể tổ chức các trò chơi điện tử, xiếc, môtô bay và các trò chơi khác có sử dụng loa âm thanh công suất lớn gây ảnh hưởng tới không gian lễ hội.

“Năm nay, chúng tôi sẽ siết chặt hơn nữa công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Theo đó, ban tổ chức sẽ xử lý ‘mạnh tay’ (không cấp phép biểu diễn trong các kỳ lễ hội sau và các hoạt động, sự kiện văn hóa-nghệ thuật của địa phương) đối với những cá nhân, câu lạc bộ nào cố ý vi phạm những nội quy, quy định đã đặt ra,” ông Hùng nhấn mạnh.

[Phó Thủ tướng: ‘Xử lý những hành động khơi dậy lòng tham vật chất’]

Lễ hội vùng Lim năm 2018 diễn ra trong hai ngày (12, 13 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày 27, 28/2) tại thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão (huyện Tiên Du, Bắc Ninh); trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim. Đây là một trong những lễ hội lớn dịp đầu năm, thu hút lượng lớn du khách.

Tại đây, hoạt động hát quan họ được tổ chức tại sáu lán với sự tham gia của các nghệ nhân, các câu lạc bộ quan họ từ các làng quan họ gốc.

Bên cạnh đó, lễ hội Lim 2018 còn có hoạt động hát quan họ dưới thuyền và hát quan họ tại gia đình các nghệ nhân.

Nhiều trò chơi dân gian truyền thống (như đu tiên, cờ người, vật truyền thống, đập niêu…) sẽ được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội năm nay./.

Dân ca quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên. Những liền anh (trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the) và những liền chị (duyên dáng trong bộ áo mớ ba mớ bảy, đầu đội nón quai thao) cùng nhau hát đối đáp những câu ca đằm thắm.

Tháng 9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao dân ca quan họ về nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, ngôn từ, trang phục và tập quán xã hội.

Quyết định của UNESCO nhấn mạnh, dân ca quan họ Bắc Ninh luôn được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hôi của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục