Hội nghị tuyên truyền về quản lý biên giới, lãnh thổ

Ngày 7/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới, lãnh thổ.

Ngày 7/11, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý biên giới, lãnh thổ.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia - Bộ Ngoại giao; lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, địa phương, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh và 2 xã có đường biên giới với Trung Quốc là Sín Thầu và Sen Thượng (huyện Mường Nhé).

Tham dự hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Công an trình bày một số nội dung gồm tình hình biên giới Việt-Trung sau khi 3 văn kiện pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực và tình hình biên giới lãnh thổ của Việt Nam với Lào và Campuchia;

An ninh chính trị khu vực biên giới; tình hình công tác quản lý, bảo vệ biên giới sau khi 3 văn bản pháp lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc có hiệu lực; những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý; quá trình đàm phán và những nội dung cơ bản của Nghị định thư Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Tỉnh Điện Biên có đường biên giới chung với Trung Quốc và Lào, trong đó đường biên giới với Lào là 360km, đường biên giới Việt-Trung dài 40,861km (trong đó có 11,965km đi theo sông suối) thuộc 2 xã của huyện Mường Nhé là Sen Thượng và Sín Thầu.

Đường biên giới Việt-Trung trên đất liền thuộc địa bàn tỉnh bắt đầu từ mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Trung Quốc và kết thúc ở mốc số 16, toàn tỉnh có 16 vị trí mốc, tương ứng với 20 cột mốc, đều là cột mốc chính.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Chủ tịch phân ban Việt Nam cho biết đã 3 năm kể từ khi các văn kiện pháp lý có hiệu lực (14/7/2010), các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực không ngừng, triển khai toàn diện công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên cơ sở các văn kiện pháp lý mới theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Có thể khẳng định, việc 3 văn kiện pháp lý về biên giới đi vào thực tế cuộc sống đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng của cả hai bên tiến hành quản lý biên giới một cách khoa học, hiệu quả, mở ra cơ hội mới cho công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước, đặc biệt là đã tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục