Hội nghị về khí hậu tại Đức kêu gọi các nước khẩn trương hành động

Đặc phái viên về khí hậu của Đức cho biết nhiều nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Hội nghị về khí hậu tại Đức kêu gọi các nước khẩn trương hành động ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 18/7, các quan chức cấp cao đến từ 40 quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Berlin (Đức) để thảo luận về cách tiếp tục tập trung vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khắc phục tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên.

Phát biểu tại cuộc họp, Đặc phái viên về khí hậu của Đức, bà Jennifer Morgan cho biết nhiều nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Bà nhấn mạnh: “Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ họ thích ứng với những tác động này khi họ gặp phải những tổn thất và thiệt hại thực sự. Chúng ta cũng cần phải thể hiện sự đoàn kết hơn nữa.”

Các nước đang phát triển vẫn đang chờ các nước giàu có viện trợ 100 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là mục tiêu mà các nước đang phát triển từng dự kiến đạt được trước năm 2020.

Tuy nhiên, những nước phát thải lớn trên thế giới lâu nay phản đối ý kiến cho rằng họ phải bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây ra cho hành tinh do phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

[Kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD do xả thải khí nhà kính]

Về phần mình, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) tại Glasgow (Anh), ông Alok Sharma cho biết nhiều khu vực của châu Âu đang hứng chịu nắng nóng như thiêu đốt và đây cũng là tình cảnh chung của hàng triệu người trên khắp thế giới. Theo đó, quan chức Anh kêu gọi các đặc phái viên cần đẩy nhanh hành động vì khí hậu.

Tương tự, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố: “Vào những thời điểm bấp bênh này, chúng ta có trách nhiệm là phải hành động khẩn trương để đảm bảo rằng hành động vì khí hậu vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế và thực trạng hiện nay không được xem là lý do để lùi bước hoặc từ bỏ những cam kết trước đây, đặc biệt là những cam kết liên quan đến việc hỗ trợ các nước đang phát triển.”

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra hai ngày tại Berlin, các phiên thảo luận kín được tổ chức, trong đó các chuyên gia sẽ trình bày trước các bộ trưởng về hậu quả của biến đổi khí hậu, sau đó chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận và lắng nghe nhau với hy vọng xây dựng lòng tin.

Các nhà tổ chức coi sự kiện này là cơ hội để các quốc gia giàu và nghèo xây dựng lại lòng tin trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11 tới, sau khi các cuộc thảo luận về kỹ thuật hồi tháng trước đạt được ít tiến triển về những vấn đề quan trọng như viện trợ cho những nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục