Họp Quốc hội: Tính tranh tụng trong xét xử ngày càng rõ nét

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật trong nhiệm kỳ này, tổng số án các loại thụ lý, xét xử tăng mạnh.
Họp Quốc hội: Tính tranh tụng trong xét xử ngày càng rõ nét ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 30/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nhiệm kỳ của Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Tính tranh tụng trong tố tụng ngày càng rõ nét hơn

Theo nhiều đại biểu, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù số lượng công việc tăng với tính chất phức tạp, quy mô lớn và phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế nhưng ngành tòa án và viện kiểm sát đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đánh giá các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật trong nhiệm kỳ này, tổng số án các loại thụ lý, xét xử tăng mạnh (tới 34%). Nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng Việt Nam bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Nhiều vụ án, số tiền bị tội phạm chiếm đoạt đã không dừng ở số con số vài trăm tỷ đồng mà đã lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều vụ án có số bị cáo tham gia đã không dừng ở con số vài ba bị cáo mà đã có sự câu kết của hàng chục, thậm chí là cả trăm bị cáo trong cùng một vụ án, ví dụ như: vụ án tại Ngân hàng Đại Dương, vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sử dụng công nghệ cao...

Đáng lưu ý, trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều loại hành vi, thủ đoạn phạm tội mới và nhiều loại tranh chấp dân sự, kinh tế mới mà chưa từng xảy ra trước đây. Ví dụ như: vụ án sửa điểm thi trên máy tính tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia hay là vụ án tranh chấp giữa các hãng taxi truyền thống và taxi công nghệ trong điều kiện phát triển nền kinh tế số.

"Mặc dù tình hình, bối cảnh như vậy nhưng hầu hết các vụ án trong nhiệm kỳ đã được đưa ra giải quyết đúng pháp luật, đúng thời hạn," đại biểu đánh giá.

Nét nổi bật tiếp theo trong nhiệm kỳ mà đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu lên là tính tranh tụng trong tố tụng ngày càng rõ nét hơn.

"Tranh tụng chính là phương thức để tìm đến sự thật vụ án một cách công bằng, công minh và tôn trọng quyền con người. Thời gian vừa qua, người dân và xã hội đã cảm nhận ngày càng rõ hơn về các phiên tòa tăng tính tranh tụng, cọ sát giữa các chứng cứ, lý lẽ, lập luận của các bên ngày càng mạnh mẽ, thậm chí rất quyết liệt. Chúng tôi cho rằng đây là những tín hiệu rất đáng mừng vì một nền tư pháp nghiêm minh," đại biểu cho ý kiến.

[Ngành kiểm sát hạn chế đáng kể các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm]

Vừa qua thực hiện hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, tất cả các tòa án trong cả nước đã không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, đã tạo mọi điều kiện để cho các bên thực hiện quyền tranh tụng, quyền đưa ra chứng cứ. Rất nhiều vụ án, các kiểm sát viên đã thể hiện việc nắm chắc chứng cứ, bản lĩnh, sắc bén, bảo vệ thành công. Quá trình tranh tụng cũng đã đánh dấu sự trưởng thành của đội ngũ luật sư Việt Nam.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thời gian qua, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép (vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa tăng trưởng kinh tế) có đóng góp không nhỏ của hoạt động xét xử và kiểm sát của các lực lượng bảo vệ pháp luật, phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị và kinh tế, bảo đảm an toàn cho cuộc sống của nhân dân.

Cũng ghi nhận và đánh giá cao về cải cách tư pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết những tư tưởng và quan điểm tiến bộ của chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa trong Hiến pháp 2013 và bổ sung, sửa đổi trong các luật về Tòa án, Kiểm sát, hình sự và tố tụng hình sự, thi hành án...

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho thấy có những trường hợp các điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên vẫn chưa thay đổi tư duy, thói quen và nhận thức cũ.

Đòi hỏi về tính độc lập của tòa án

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cho rằng, nhiệm kỳ qua, các tòa án đã làm tốt, đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử. Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho biết mặc dù ngành tòa án với thành tích đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ nhưng người dân vẫn cho rằng còn có những rào cản trong việc thực hiện đổi mới cơ chế thực hiện phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, cần phải tháo gỡ. Đó là về tính độc lập của tòa án; không để tình trạng "dĩ hòa vi quý" với những vi phạm nghiêm trọng tố tụng nhưng lại nhận xét, đánh giá là không ảnh hưởng làm thay đổi bản chất của vụ án.

Họp Quốc hội: Tính tranh tụng trong xét xử ngày càng rõ nét ảnh 2Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

"Tính độc lập của tòa án cũng đòi hỏi việc xét xử của tòa án phải độc lập với các cơ quan cấp trên. Những thẩm phán phải độc lập với các Hội thẩm nhân dân trong việc đưa ra phán quyết, để tránh tình trạng nể nang, xuôi chiều, mất tính độc lập của Hội đồng Thẩm phán," đại biểu phân tích.

Để tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng xét xử trong mục tiêu Quốc hội đề ra tới đây, đại biểu cho rằng việc đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phải coi là khâu đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm phán quyết của tòa đúng luật, bảo đảm quyền con người, mang lại công lý, niềm tin cho nhân dân. Thẩm phán nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ thẩm quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội khóa tới cần tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội trong hoạt động tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục