Ngày 11/10, Hội Cựu chiến binh tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trọng thể lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở hội. Đông đảo cán bộ, hội viên đã đến dâng hương, viếng Đại tướng bày tỏ lòng thành kính đối với công lao to lớn của người Anh cả của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông Hoàng Đức - Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh Thừa Thiên-Huế rưng rưng: "Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người anh cả của Quân đội, Người là niềm tự hào, là tấm gương để các thế hệ Cựu chiến binh và nhân dân mãi mãi noi theo. Cán bộ, hội viên Cựu chiến binh Thừa Thiên-Huế xin nguyện tiếp bước Đại tướng, phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, tiếp tục góp sức mình xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh." Ông Châu Quang Tùng, Nguyên Đoàn trưởng Đoàn 40B - Quân khu 4 xúc động ghi lại trong sổ tang: "Thế kỷ 20 Bác đã cùng toàn Đảng toàn dân làm rạng danh đất nước. Bác là tượng đài của hòa hòa bình và là biểu tượng của ý chí độc lập tự do, quyết chiến và quyết thắng. Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật không cưỡng nhưng cháu vẫn thấy mất mát quá lớn. Năm 1975, đứng trong hàng ngũ chiến sỹ duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, lời Bác còn vọng đâu đây, nhất là phong thái oai nghiêm hùng dũng của Bác khi đọc Nhật lệnh và duyệt các đội danh dự. Nay, Bác không còn nữa, Bác đã về cõi vĩnh hằng, về với đất mẹ yêu thương. Kính chúc linh hồn Bác siêu thoát. Chúng con đời đời ghi nhớ công ơn Bác." Hoà trong dòng người đến dâng hương viếng Đại tướng, ngoài hội viên cựu chiến binh còn có rất đông người dân cũng đến bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ "Vị tướng của nhân dân". Gặp nhà văn Vĩnh Nguyên cầm trên tay tập Danh nhân Quảng Bình tập 3, có tới 20 trang viết giới thiệu về người con ưu tú của đất mẹ "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam", do Nhà xuất bản thời đại ấn hành. Nhà văn Vĩnh Nguyên cho biết, để cô đọng lại cuộc đời sự nghiệp của Võ Đại tướng trong chừng ấy trang viết, ông đã phải tham khảo đến 64 đầu sách về các lĩnh vực lý luận quân sự, khoa học kỹ thuật, kinh tế và cả văn học; trong đó phải kể đến cuốn "Chiến đấu trong vòng vây" và "Điện Biên phủ" là những tác phẩm có giá trị lớn. Nhiều tác phẩm được tái bản đến năm lần. Nhà văn Ngô Minh, cùng đồng hương Lệ Thủy với Đại tướng chia sẻ, ông vừa hoàn thành cuốn "Tướng Giáp trong tôi," do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2013. Theo Ngô Minh, đây là cuốn truyện ký viết riêng về Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đề tài mà ông ấp ủ từ năm 1995 đến nay. "Trong nhận thức của tôi, nước Việt Nam thế kỷ XX có nhiều biến cố và nhân vật quan trọng góp phần làm nên diện mạo lịch sử đất nước và ảnh hưởng đến cả lịch sử thế giới. Có những con người vĩ đại sống mãi, không chỉ trong sách vở mà cả trong lòng người dân Việt Nam và thế giới, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp" - Nhà văn Ngô Minh bộc bạch. Ngoài viết sách để bày tỏ tình cảm của mình với Đại tướng, nhà văn Ngô Minh còn có những câu thơ hay về Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Tướng Giáp
“một trong 10 vị tướng thiên tài thế giới mọi thời đại
“tư lệnh của tư lệnh
“chính uỷ của chính uỷ
“bậc hiền nhân
“đánh bại hai đế quốc to
“đánh gục hơn chục tướng Pháp, Mỹ
bao nhiêu mỹ từ sang trọng nhất
cũng không xứng với ông
bọn ghen tức mưu toan bôi nhọ
càng làm cho ông như mặt trăng mặt trời
muôn đời sáng rỡ
Tướng Giáp
hiền từ một người cha, người ông
từng khóc cha khóc vợ bị giặc giết
từng lau nước mắt khi thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà
từng thắc thỏm mùa lụt làng Văn Xá…
“một trong 10 vị tướng thiên tài thế giới mọi thời đại
“tư lệnh của tư lệnh
“chính uỷ của chính uỷ
“bậc hiền nhân
“đánh bại hai đế quốc to
“đánh gục hơn chục tướng Pháp, Mỹ
bao nhiêu mỹ từ sang trọng nhất
cũng không xứng với ông
bọn ghen tức mưu toan bôi nhọ
càng làm cho ông như mặt trăng mặt trời
muôn đời sáng rỡ
Tướng Giáp
hiền từ một người cha, người ông
từng khóc cha khóc vợ bị giặc giết
từng lau nước mắt khi thắp nhang ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà
từng thắc thỏm mùa lụt làng Văn Xá…
Trước khi trở thành nhà tri thức và vị tướng quân sự tài ba của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng là học trò trường Quốc Học Huế từ năm 1925- 1927. Tại đây, ông đã tham gia phong trào học sinh chống thuế ở Huế, tham gia Đảng Tân Việt và sau đó thoát li hoạt động cách mạng. Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã khiến tất cả giáo viên và học sinh trường Quốc Học Huế xúc động với niềm tiếc thương vô hạn. Trong mấy ngày qua, thầy trò nhà trường luôn tự hứa thường xuyên dạy tốt, học tập tốt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, theo tấm gương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người đồng chí xuất sắc của Đảng và Bác Hồ. Thầy Nguyễn Đình Thí, Phó hiệu trưởng nhà trường xin hứa với hương hồn của Đại tướng như vậy./.
Quốc Việt (Vietnam+)