IEA: Nhu cầu than đá vẫn duy trì ổn định trong vài năm tới

IEA cho biết nhu cầu than đá toàn cầu đã tăng trở lại kể từ năm 2017 và mặc dù có thể giảm trong năm 2019, song nguồn năng lượng này được dự đoán sẽ vẫn ổn định cho đến sau năm 2024.
Than đá tại một nhà máy điện ở gần Somerset, bang Kentucky, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Than đá tại một nhà máy điện ở gần Somerset, bang Kentucky, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhu cầu than đá thế giới vẫn duy trì trong 4 năm tới bất chấp những lo ngại về nhiên liệu hóa thạch đang là nguyên nhân khiến Trái Đất ấm dần lên.

Theo báo cáo công bố ngày 17/12 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than vẫn là nguồn năng lượng chính của Đông Nam Á, khu vực phát triển kinh tế nóng đẩy nhu cầu năng lượng tăng vọt, đi kèm theo tình trạng môi trường ô nhiễm.

IEA khẳng định: "Nhu cầu than đá toàn cầu đã tăng trở lại kể từ năm 2017 và mặc dù có thể giảm trong năm 2019, song IEA dự đoán nguồn năng lượng này nhìn chung vẫn ổn định cho đến sau năm 2024."

[Sản lượng nhiên liệu hóa thạch sẽ vượt ngưỡng theo Hiệp định Paris]

IEA cho rằng ngoài sản xuất thép và ximăng, than vẫn là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện và hiện chiếm hơn 40% lượng khí thải gây khí CO2.

Trong khi châu Âu và Mỹ đang ngày càng ít phụ thuộc vào than đá, nguồn nhiên liệu này vẫn đang gia tăng ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền kinh tế vừa sản xuất vừa tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol khẳng định: "Các nhà máy nhiệt điện tại châu Á đang rất trẻ - trung bình 12 tuổi. Vì vậy những nhà máy này có thể vẫn hoạt động trong nhiều thập kỷ tới."

Theo ông Birol, để ngăn chặn khí CO2 thải vào môi trường, thế giới cần phải tiếp cận với những công nghệ như mới như các dự án thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

Hiện tại có rất ít dự án CCUS được ứng dụng. Ông Birol cho rằng việc áp dụng CCUS tại nhiều nhà máy điện của châu Á sẽ là cần thiết để đưa thế giới vào lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu quốc tế về khí hậu, chất lượng không khí và tiếp cận năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục