IGAD kêu gọi đàm phán toàn diện để chấm dứt xung đột Sudan

Các lãnh đạo một số nước thành viên IGAD đã có cuộc gặp tối 6/9 tại thủ đô Nairobi của Kenya, trong đó nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 5 tháng ở Sudan.
IGAD kêu gọi đàm phán toàn diện để chấm dứt xung đột Sudan ảnh 1Người dân sơ tán tránh xung đột trú tạm tại một trường học ở Hasahisa, Sudan ngày 10/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Liên Chính phủ về Phát triển Khu vực Đông Phi (IGAD) mới đây đã nhắc lại lời kêu gọi về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài 5 tháng ở Sudan.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các lãnh đạo một số nước thành viên IGAD, bao gồm là Kenya, Ethiopia, Nam Sudan và Djibouti, đã có cuộc gặp tối 6/9 tại thủ đô Nairobi của Kenya.

Tại đây, các nhà lãnh đạo này kêu gọi IGAD (với 8 quốc gia thành viên) và Liên minh châu Phi (AU) phối hợp nỗ lực để cùng với các quốc gia láng giềng Sudan cũng như các nước có liên quan hỗ trợ một nền tảng toàn diện cho tiến trình hòa bình Sudan.

[Sudan ban hành sắc lệnh giải tán lực lượng bán quân sự RSF]

IGAD và AU nên đề ra chương trình nghị sự và xác định những người tham gia cũng như các vấn đề liên quan khác để hỗ trợ một cuộc đối thoại chính trị về Sudan.

Trong thông cáo chung đưa ra tối 6/9, các lãnh đạo lên án mạnh mẽ cuộc xung đột đang diễn ra tại Sudan, kêu gọi các bên tham chiến ngay lập tức dừng mọi hành động thù địch đồng thời tái khẳng định không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này.

Các nhà lãnh đạo cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Sudan ngày càng trở nên phức tạp và có thể mở rộng ra quy mô khu vực với sự gia nhập và tham gia của các phong trào vũ trang khác, trong khi các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ được sử dụng ngày càng nhiều, gây ra những rủi ro nghiêm trọng về an ninh, nhân đạo và chính trị cho Sudan và cả khu vực.

Theo Liên hợp quốc, hơn một triệu người tị nạn, người trở về và công dân nước thứ 3 đã tháo chạy từ Sudan sang các nước láng giềng do lo ngại xung đột.

Các quốc gia tiếp nhận như Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan, vốn đã tiếp nhận hàng trăm nghìn người ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Các nhà lãnh đạo cũng cam kết huy động 1 triệu USD từ mỗi quốc gia thành viên IGAD để hỗ trợ nhân đạo và hỗ trợ tiến trình hòa bình, bày tỏ tình đoàn kết với người dân Sudan.

Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, các nước láng giềng và bạn bè của Sudan tăng cường và duy trì hỗ trợ hoạt động nhân đạo dành cho người dân Sudan và tiến trình hòa bình.

Trước đó, ngày 4/9, Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc đã kêu gọi 1 tỷ USD để cung cấp viện trợ và các biện pháp bảo vệ thiết yếu cho ước tính hơn 1,8 triệu người sẽ đến 5 quốc gia láng giềng của Sudan vào cuối năm 2023, chạy trốn khỏi cuộc xung đột đang diễn ra tại nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục