Italy đứng đầu chiến dịch chống buôn người của Liên minh châu Âu

Italy đã được EU chỉ định làm nước đứng đầu chiến dịch chống buôn người do khối này tiến hành nhằm ngăn chặn các lực lượng tội phạm đưa người di cư vượt biển sang châu Âu.
Italy đứng đầu chiến dịch chống buôn người của Liên minh châu Âu ảnh 1Những người di cư sau khi được cứu và đưa về cảng Pozzallo, Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Italy đã được Liên minh châu Âu (EU) chỉ định làm nước đứng đầu chiến dịch chống buôn người do khối này tiến hành nhằm ngăn chặn các lực lượng tội phạm tổ chức những chuyến đưa người di cư vượt biển sang châu Âu từ Libya.

Có biệt danh "Sophia," được đặt theo tên của một bé gái sinh ra trên một con tàu chở đầy người di cư sang châu Âu, chiến dịch này huy động 6 tàu hải quân, trong đó có tàu sân bay Cavour của Italy làm soái hạm, 1 tàu ngầm Italy và 4 khu trục hạm của Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Đức. Ngoài ra, Đức cũng cung cấp một tàu hậu cần.

Chiến dịch Sophia cũng có sự tham gia của 4 máy bay chiến đấu AV8B cất cánh thẳng đứng và 2 máy bay không người lái.

Ngoài ra, một số lượng lớn máy bay trực thăng EH101 và AB212 cũng sẽ được sử dụng.

Đô đốc Italy Enrico Credendino được chỉ định làm người chỉ huy chiến dịch có sự tham gia của 14 quốc gia và 4.000 binh lính này.

Theo bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, thì Sophia có nhiệm vụ "kiểm tra, giám sát, khám xét tất cả những con tàu bị tình nghi được bọn buôn người sử dụng để đưa người di cư từ Libya sang châu Âu bằng đường biển."

Xa hơn nữa, chiến dịch có nhiệm vụ phá hủy các phương tiện có thể được dùng để chở người di cư trên vùng biển quốc tế.

Trước đó, EU mới dừng lại ở việc tuần tra và thực hiện các vụ cấp cứu, hỗ trợ khi phát hiện các thuyền chở người di cư trên biển, nghĩa là chỉ thực hiện các hoạt động nhân đạo. Mục tiêu nhân đạo cũng được đặt ra trong chiến dịch Sophia, khi một bệnh viện dã chiến được đặt trên tàu sân bay Cavour, nhằm ứng cứu và chữa trị cho người di cư được cứu.

Báo chí Italy cho rằng đây là một bước tiến mới, dù hơi muộn, của châu Âu trong việc ngăn chặn hoạt động của các băng nhóm tội phạm lợi dụng sự bất ổn ở Libya nói riêng và Bắc Phi nói chung để kiếm lợi bằng việc đưa người di cư sang châu Âu.

Theo nhật báo Il Messaggero xuất bản ở thủ đô Rome, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các phần tử Hồi giáo thánh chiến và các đường dây buôn người để thực hiện các chuyến tàu chở người di cư, chủ yếu xuất phát từ Libya, quốc gia đang trong tình trạng bất ổn và chia năm xẻ bảy trong cuộc nội chiến.

Do đó, trong khi chờ đợi một giải pháp hòa bình với sự trung gian của quốc tế cho Libya, việc EU gia tăng các hoạt động chống bọn buôn người là điều hoàn toàn logic. Việc can thiệp trong lãnh hải Libya cần phải được sự chấp thuận của Liên hợp quốc hoặc yêu cầu của Libya.

Kể từ đầu năm đến nay, hơn 130.000 người di cư đã xuất phát từ các cảng của Libya để vượt Địa Trung Hải, hướng tới châu Âu, trên những con tàu ọp ẹp và cũ nát. Hơn 2.700 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn trên biển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục