Hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay của Bộ Giao thông Vận tải đang được dư luận rất quan tâm.
Đây được coi như một "liều thuốc" cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hàng không, từng bước đưa hàng không Việt Nam vươn lên theo kịp sự phát triển của ngành hàng không khu vực và thế giới.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua, dịch vụ hàng không đã ghi nhận sự nỗ lực trong việc xóa độc quyền, tạo sự cạnh tranh bình đẳng. Ví dụ như các dịch vụ phục vụ mặt đất ở sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đã có từ hai đơn vị trở lên; dịch vụ kỹ thuật tàu bay, hàng hóa, kho hàng, xăng dầu… cũng đã có nhiều đơn vị tham gia cung cấp. Nhà nước cũng thực hiện việc kiểm soát giá các dịch vụ hàng không rất chặt chẽ, vì thế chất lượng dịch vụ có nhiều cải thiện, vấn đề giá cả đã có giảm xuống.
Tuy nhiên, phải thừa nhận, vấn đề dịch vụ hàng không ở một số sân bay địa phương vẫn còn hạn chế do thiếu hạ tầng. Một trong những nguyên nhân chậm, hủy chuyến cũng là do dịch vụ hàng không tại các cảng hàng không địa phương vừa thiếu và yếu. Ví dụ, hai xe thang phục vụ một máy bay và giữa các chuyến máy bay cách nhau nửa tiếng, tuy nhiên vì lý do nào đó dẫn tới chậm chuyến thì cả hai máy bay lại cùng chờ để có xe thang phục vụ…
Việc nâng cao chất lượng dịch vụ phi hàng không chủ yếu nằm ở yếu tố giá. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các cảng hàng không tăng cường kiểm tra vấn đề niêm yết công khai giá để người dân biết trước khi sử dụng và đưa ra khuyến cáo. Tuy nhiên, vấn đề khuyến cáo vẫn chỉ mang tính định tính, chưa mang tính định lượng.
Hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để tính toán ấn định giá dịch vụ phi hàng không. Quốc hội vừa qua đã thống nhất đưa vào Luật Hàng không sửa đổi quy định về việc kiểm soát chặt chẽ một số mặt hàng dịch vụ phi hàng không mang tính thiết yếu như ăn uống, phí trông giữ ôtô...
Về phía các cảng hàng không, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, với đặc thù là một cảng hàng không cửa ngõ thủ đô, chất lượng dịch vụ, uy tín, diện mạo, hình ảnh của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài luôn được lãnh đạo các cấp đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát tích cực và hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động tại Cảng để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc cung cấp các dịch vụ tại Cảng. Có thể nói, đến thời điểm này, chất lượng dịch vụ cung ứng tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Hiện Cảng đang xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên bán hàng của các doanh nghiệp nhượng quyền về những quy định liên quan khi tham gia bán hàng tại Cảng. Thống nhất và triển khai đồng bộ chương trình theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định; khuyến cáo điều chuyển công tác đối với nhân viên vi phạm; rút nhượng quyền kinh doanh, chất dứt hợp đồng đối với đơn vị vi phạm, gian lận thương mại, bán hàng giả, sai xuất xứ, bán hàng không đúng với giá hiệp thương, bán hàng không đúng giá niêm yết.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, qua nhiều đợt kiểm tra, khảo sát, cảng vụ đã phát hiện ra nhiều bất cập trong công tác quản lý dịch vụ tại các cảng hàng không do cảng vụ quản lý và đưa ra những biện pháp xử lý. Chuyển biến lớn nhất trong công tác quản lý là nhận thức của lãnh đạo các đơn vị có liên quan về việc cần cải thiện chất lượng dịch vụ tại sân bay.
Trong những năm gần đây, đóng góp của các dịch vụ phi hàng không tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng tăng lên đáng kể, hiện chiếm tới 40% tổng doanh thu. Theo ông Tô Ngọc Hải, Phó giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, để tăng cường chất lượng dịch vụ tại sân bay, điều đầu tiên là phải quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Lực lượng lao động cần phải được đào tạo theo tiêu chuẩn của các hãng, lực lượng bán hàng tại sân bay cũng phải tiêu chuẩn hóa về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp…
Ở sân bay Đà Nẵng ,dịch vụ rất đa dạng với các loại giá có thể phục vụ cho mọi đối tượng. Trong thời gian tới, sân bay Quốc tế Đà Nẵng sẽ tăng cường liên kết với các nhãn hàng nổi tiếng để bán hàng tại sân bay, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiêp tham gia cung ứng dịch vụ, tăng cường sự cạnh tranh, chống độc quyền.
Nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hàng không một cách đồng bộ, lâu dài, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã ký quyết định ban hành Đề án tăng cường quản lý giá, phí dịch vụ hàng không và phi hàng không. Theo đề án này, mức giá dịch vụ hàng không phải phù hợp với giá thị trường, có tính cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
Đặc biệt, khoản thu từ các hãng hàng không đã dần thể hiện chính sách coi hãng vận chuyển là đối tác hợp tác, mang lại các nguồn thu phi hàng không quan trọng cho cảng hàng không, sân bay. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu hướng chung của các cảng hàng không, sân bay trong khu vực và trên thế giới.
Mức giá dịch vụ được xác định trong tổng hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nhà vận chuyển và hành khách, không gây xáo trộn quá nhiều tới doanh thu, chi phí của các doanh nghiệp liên quan. Mức giá này được tính toán trên cơ sở thị trường vận chuyển, phù hợp với mức giá trung bình của cùng loại dịch vụ trong khu vực ASEAN, nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam .
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, hủy chuyến bay tăng đột biến trong thời gian vừa qua.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, trong đó chú trọng đến năng lực đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống đèn chiếu sáng, thiết bị bay đêm, khẩn nguy sân bay, cung cấp dịch vụ hàng không trong nhà ga, khu bay, hệ thống hàng rào an ninh. Đặc biệt, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ hàng không, phi hàng không cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền.
Với các hãng hàng không, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến bay, nâng cao chất lượng dịch vụ trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn bay đồng thời, chấn chỉnh thái độ ứng xử với hành khách, xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp thiếu văn hóa, coi thường hành khách của nhân viên./.