Kinh tế chuyển biến tích cực - cơ sở tốt tăng GDP

Kinh tế chuyển biến tích cực - cơ sở tốt tăng trưởng GDP

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định kinh tế chuyển biến tích cực trong quý 1 với chỉ số xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tăng cao là cơ sở tốt cho tăng trưởng GDP trong những quý tới.
Công ty TNHH 888 (Thanh Hóa) chuyên sản xuất áo sơmi, Jacket xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Trong quý 1/2014, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nổi bật ở các chỉ số xuất khẩu, sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng năm trước; hàng tồn kho giảm; CPI tăng thấp; vốn ODA và FDI thực hiện vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ…

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định kết quả này sẽ là cơ sở tốt cho tăng trưởng GDP trong những quý tới.

Vẫn tồn tại những khó khăn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2014 đạt 4,96% so với cùng kỳ năm 2013 (quý 1/2013 tăng 4,76%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; còn dịch vụ tăng 5,95%.

Xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu cả quý 1 ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Kim ngạch nhập khẩu quý 1 ước đạt 32,34 tỷ USD, tăng 12,4%. Như vậy, quý 1 xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.

Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2014 tăng khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (trong khi cùng kỳ năm trước tăng 5%).

Chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp cũng giảm nhẹ. Tính đến thời điểm 1/3/2014 tăng 13,4% so với cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho thời điểm 1/3/2013 tăng 16,5% so cùng thời điểm năm 2012).

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm 1/3/2014 tăng 4,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước, là mức thấp nhất trong vòng tám năm qua. So với tháng 12/2013, CPI tháng 3/2014 tăng 0,8%, cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nhận xét khi CPI tăng thấp sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động nhưng vẫn huy động tiền gửi, cải thiện thanh khoản, tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, góp phần để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khoá; đồng thời, đây cũng là tín hiệu vui của người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, người có thu nhập thấp…

Phát triển doanh nghiệp cũng có những dấu hiệu tích cực, tăng cả số vốn đăng ký và số doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm trước.

Cả nước có 18.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý 1, với số vốn đăng ký 97.980 tỷ đồng, tăng 16,9% về số doanh nghiệp và tăng 23,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013.

Quý 1/2014 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp gặp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động, tăng 48,9% so với quý liền kề (quý 4/2013).

Một chỉ số quan trọng khác cũng nhận được sự đánh giá tốt là vốn đầu tư phát triển. Cụ thể, tổng vốn đầu tư xã hội quý 1 ước đạt 214.800 tỷ đồng, bằng 28,4% GDP và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Giải ngân vốn phát triển chính thức (ODA) trong quý 1 tăng 5% so với cùng kỳ, ước đạt 364 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quý 1 ước đạt 2,85 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký ước đạt 3,34 tỷ USD.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong quý 1 cũng tăng nhẹ. Bên cạnh đó, chi tiêu công thấp hơn cùng kỳ 2013, tiêu dùng dân cư nhỉnh lên… cũng được coi là những điểm sáng của nền kinh tế.

Theo đánh giá của tiến sỹ Võ Chí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Kinh tế quản lý TW, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn tồn tại những khó khăn như sản xuất kinh doanh trong nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn; nợ xấu vẫn còn là gánh nặng tại các ngân hàng.

Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu thiếu tính đồng bộ trong thực hiện các giải pháp.

Bên cạnh đó, quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước tiến triển chậm và nhu cầu thị trường trong nước chưa có nhiều cải thiện.

Tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: "Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2014 là số liệu tăng cao nhất trong ba năm qua ở cả ba khu vực. Chúng tôi nhận thấy tốc độ tăng trưởng có xu hướng tăng lên từ năm 2013 và nhận định tốc độ không phải tăng đều mà có gia tốc."

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8% trong năm nay, một trong những giải pháp trước mắt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô.

Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ tạo dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ngoài Nhà nước phát triển theo hướng hiện đại, mở rộng quy mô thâm nhập thị trường thế giới; đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng tạo ra nhiều giá trị tăng thêm với chuỗi sản phẩm chất lượng cao, phục vụ thị trường trong nước với trên 90 triệu dân.

Tiến sỹ Võ Chí Thành cho rằng cần đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch tỷ lệ cổ phần hóa.

Sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quản trị doanh nghiệp và thị phần sản phẩm tiêu thụ; đồng thời độc lập, tự tin lựa chọn ngành nghề kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất mang tính bền vững cao theo cơ chế thị trường bằng nguồn vốn tự có, thay vì nguồn vốn nhà nước trong môi trường pháp lý minh bạch với các cơ chế, chính sách tốt.

Đại diện Bộ Công Thương lại cho rằng, các doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ; chủ động chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để đón nhận cơ hội về việc làm và thu nhập khi một loạt hiệp định thương mại được ký kết giữa Việt Nam và các tổ chức, đối tác quốc tế.

Hiện nay, đối với hàng nông sản, có hai mặt hàng tiêu thụ khó là gạo và đường. Nhu cầu thị trường Trung Quốc lớn nhưng chủ yếu qua các đường tiểu ngạch.

Ngành nông nghiệp mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công Thương thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch như hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cần mở rộng số lượng doanh nghiệp và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu đường. Đây là hai ngành có tác động lớn nhất đến các hộ nông dân.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản xuất; đồng thời về phía các ngân hàng cũng cần có các giải pháp tạo thuân lợi cho tín dụng nhằm thúc đẩy các giao dịch kinh doanh bất động sản.

Giải ngân trái phiếu Chính phủ là một yếu tố quan trọng, tạo ra vòng quay tiền tệ, để các doanh nghiệp có dòng tiền đầu tư. Do đó, đại diện một số bộ, ngành kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn trái phiếu nhằm hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế vĩ mô.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhấn mạnh đến giải pháp, cần vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của từng địa phương để thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục