Kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng "khiêm tốn" 2% năm nay

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến sẽ chỉ ở mức "khiêm tốn" vào năm 2016 và dao động trong khoảng từ 1-3%.
Kinh tế Singapore dự kiến tăng trưởng "khiêm tốn" 2% năm nay ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: rappler.com)

Số liệu mới nhất của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho thấy tăng trưởng kinh tế của Đảo quốc Sư tử dự kiến sẽ chỉ ở mức "khiêm tốn" vào năm 2016 và dao động trong khoảng từ 1-3%.

Việc kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại cũng như xu hướng tìm nguồn cung ứng trong nước của Trung Quốc và Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu bên ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Singapore, tác động đến tăng trưởng kinh tế của nước này.

Theo tin từ Singapore, nhịp độ tăng trưởng kinh tế cả năm nay cũng đã được điều chỉnh giảm xuống ở mức gần 2%, thay vì ở trong khoảng 2-2,5% như trong dự báo đưa ra trước đó.

Bất chấp việc các chuyên gia đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới, do các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro lấy lại đà tăng, song MTI cho rằng điều này có thể chỉ tác động hạn chế tới Singapore cũng như các nước láng giềng trong khu vực.

Số liệu thống kê của MTI cũng chỉ ra rằng Singapore đã thoát khỏi một cuộc suy thoái kỹ thuật trong quý Ba năm nay. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý Ba mặc dù giảm nhẹ so với quý trước đó, ở mức 1,9% so với 2% trong quý Hai, song vẫn tăng so với dự báo ban đầu là 1,4%.

Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 3/2012. Đó là do sự gia tăng trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ cũng như sự phục hồi trong hoạt động vận chuyển và lưu kho, các lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã không thể bù đắp sự giảm sút trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng và dịch vụ kinh doanh.

Nhịp độ tăng GDP hàng năm tại Singapore bình quân ở mức 6,83% từ năm 1976 đến năm 2015. Tại Singapore, các ngành dịch vụ đóng góp chính vào tăng trưởng kinh tế và chiếm tới 72% GDP. Trong lĩnh vực dịch vụ thì quan trọng nhất là bán buôn và bán lẻ (chiếm 18% GDP); dịch vụ kinh doanh (16%); tài chính và bảo hiểm (13%), vận chuyển và lưu kho (10%), thông tin và truyền thông (5%).

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp 28% tổng sản lượng còn lại, trong đó công nghiệp chế tạo (21%) và xây dựng (5%) là những ngành quan trọng nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục