Kỳ án truyện tranh: Đặc trưng của kinh dị châu Á

“Killer Toon” (Kỳ Án Truyện Tranh) lồng ghép các tình tiết siêu nhiên vào câu chuyện trinh thám, tạo ra mê hồn trận cho khán giả.
Những bộ phim kinh dị Châu Á thường khai thác những thế lực tâm linh và do đó tạo được nỗi ám ảnh vô hình với khán giả, ngay cả khi đã bước chân ra khỏi rạp. “Killer Toon” (tựa Việt là Kỳ Án Truyện Tranh) là một bộ phim kinh dị của điện ảnh Hàn Quốc, song đạo diễn Kim Yong-Gyun đã lồng ghép các tình tiết siêu nhiên vào câu chuyện trinh thám, tạo ra mê hồn trận mà khán giả chỉ được dẫn đường vào phút chót. Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, nhiều phương tiện thông tin truyền thống như báo giấy cũng dần bị lấn át bởi báo mạng. Tương lai có thể là cả truyện tranh cũng bị anh hưởng trong đà thăng tiến vượt bậc của webcomic (đọc truyện tranh online). Có thể đọc dễ dàng trên điện thoại tại bất cứ đâu, đây là một thể loại giải trí của thế giới hiện đại, đưa nhiều họa sĩ vô danh trở thành nổi tiếng. Nhân vật Ji-Yun (Lee Si Young thủ vai) trong “Killer Toon” là một người như vậy, khi các tác phẩm kinh dị mô tả các vụ án mạng do cô sáng tác được độc giả ưa thích. Nhưng cho tới một ngày, cảnh sát phát hiện ra một vụ án mạng của một người phụ nữ, với màn hình máy tính còn mở nguyên trang truyện của Ji-Yun. Điều hãi hùng nhất là mọi chi tiết trong tranh đều khớp với hiện trường, ngay cả những thương tích trên người nạn nhân. Nghi ngờ tác giả Ji-Yun có dính líu tới vụ án mạng này, viên cảnh sát Ki-Chul (Um Ki-Joon) cùng người cộng sự trẻ Young-Su (Hyun Woo) tới gặp cô để điều tra nhưng không thu được kết quả gì. Nhưng tưởng như vụ án sẽ khép lại thì lại có thêm nạn nhân thứ hai chết giống như trong truyện của Ji-Yun, và lần này nữ tác giả cũng có mặt trực tiếp tại hiện trường. Cô trở thành nghi phạm số một, nhưng liệu có bàn tay siêu nhiên nào nhúng vào vụ án này không khi dường như còn tồn tại một thế giới tâm linh với những ẩn ức trong quá khứ những người có liên quan... Năm 2005, đạo diễn Kim Yong-Gyun từng tạo dựng tên tuổi với bộ phim kinh dị “The Red Shoes” (Đôi Hài Đỏ) và “Killer Toon” là tác phẩm thứ hai thuộc thể loại này do ông đảm nhiệm. Tác phẩm này tạo cảm giác “ghê rợn” hay giật mình cho khán giả nhiều hơn là “sợ”. Nguyên nhân là việc sử dụng những yếu tố “kinh điển” trong phim kinh dị Châu Á như trẻ em, ma nữ hay bất thình lình hù dọa khán giả với một gương mặt kinh dị... Vì lẽ đó, những ai trông chờ một bộ phim kinh dị đột phá có lẽ sẽ chưa thấy thỏa mãn. Nhưng bù lại, “Killer Toon” có điểm cộng ở diễn xuất và cốt truyện. Ngay từ tạo hình, nữ diễn viên Lee Si Young trong vai Ji-Yun đã trông đầy ma mị, phù hợp với vẻ một người sống với những ám ảnh. Tâm lý nhân vật cũng diễn biến theo chiều hướng nhiều bất ngờ, khiến khán giả không thể lường trước ai tốt, ai xấu cho tới tận cuối phim. Đôi khi, những người có vẻ ngoài hiền lành, vô hại lại chỉ là một lớp vỏ bọc cho quá khứ tội lỗi, và “Killer Toon” chính là minh chứng cho điều đó.
Kỳ án truyện tranh: Đặc trưng của kinh dị châu Á ảnh 1
Những vụ giêt người có tình tiết giống y như trong truyện tranh cho tác giả Ji-Yun sáng tác (Nguồn: MS)
Với nội dung hấp dẫn, âm thanh ấn tượng cùng những diễn viên phù hợp, đáng lẽ ra “Killer Toon” có thể hay hơn, thay vì khiến những người mong đợi bị hụt hẫng. Có lẽ nguyên nhân là bởi đạo diễn bị chơi vơi giữa việc đi hẳn theo hướng phim kinh dị hay trinh thám, khiến tác phẩm tạo cảm giác “chưa tới” cả về hai mặt này. Về kinh dị thì chưa đủ sợ trong khi trinh thám thì lại chưa đủ độ hấp dẫn, cuốn hút và kết cục của bộ phim không làm hài lòng khán giả. Trước khi làm “Killer Toon”, đạo diễn từng chia sẻ rằng mình muốn làm một bộ phim kinh dị không chứa đựng những chi tiết hù dọa rẻ tiền mà sẽ là những ám ảnh về tâm lý và tình cảm phức tạp, từ từ ăn sâu vào tâm trí của khán giả xem phim, song thực tế lại cho thấy rằng Kim vẫn đi vào lối mòn cũ. Ra mắt sau thời điểm Liên hoan phim Hàn Quốc tại Việt Nam, “Killer Toon” ít nhiều nhận được sự kỳ vọng của người hâm mộ dòng phim kinh dị. Tuy vậy, dù sở hữu một cốt truyện ly kỳ cùng dàn diễn viên không kém phần “ma mị” nhưng việc chơi vơi giữa hai thể loại đã khiến tác phẩm không thể bứt phá so với mặt bằng chung phim kinh dị hiện đại và chỉ dừng ở mức trung bình khá./.
Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục