Lao động nông thôn nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về giới

Lao động nữ tại nông thôn khi khởi sự kinh doanh thường gặp những khó khăn về giới như định kiến từ gia đình và xã hội, cơ hội tiếp cận thông tin và nguồn vốn…
Bạn Huỳnh Thị Kim Hoàng người sáng lập thương hiệu Hafabo “Trẻ hóa từ thiên nhiên”- đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2018, tỉnh Long An. (Ảnh: NV/Vietnam+)
Bạn Huỳnh Thị Kim Hoàng người sáng lập thương hiệu Hafabo “Trẻ hóa từ thiên nhiên”- đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2018, tỉnh Long An. (Ảnh: NV/Vietnam+)

Tên tuổi của Huỳnh Thị Kim Hoàng không chỉ gắn với các giải thể thao lớn tại các đại hội thể thao người khuyết tật trong nước và Đông Nam Á (Para Games). Giờ đây, cô còn biết đến với tư cách là người sáng lập thương hiệu Hafabo “Trẻ hóa từ thiên nhiên”-  đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2018, tỉnh Long An.

Tại Hội thảo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức,” do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức, Kim Hoàng đã chia sẻ câu chuyện tự tạo việc làm, thu nhập của một phụ nữ nông thôn bị khuyết tật.

Tìm tòi những nhu cầu từ đời sống

Trong thể thao, Kim Hoàng đã 3 huy chương bạc qua các kỳ Para Games và 13 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và đồng tại các giải thi đấu trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đó, cô gái “vàng” của thể thao lại phải đối mặt với những vấn đề với da và mái tóc. Tác hại từ ánh nắng mặt trời và thuốc tẩy trong hồ bơi khiến cho da của cô không chỉ đen sạm mà còn khô và nhăn. Thêm vào đó, mái tóc ngày càng trở nên xơ xác, gãy, rụng.

[Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trên 500 triệu USD trong năm 2019]

Với những nguyên liệu có từ trong thiên nhiên như quả bồ kết, mần trầu, sả, lá ổi,… Hoàng tự tạo ra các sản phẩm chăm sóc tóc cho riêng cho mình. Sau khi mái tóc được cải thiện rõ rệt đồng thời nhận thấy nguồn dược liệu tại địa phương rất dồi dào, cô đã quyết định nghiên cứu và giới thiệu ra thị trường sản phẩm dầu gội Yopoo khai thác các nguyên liệu từ thiên nhiên.

Sau những thành công ban đầu, cô tiếp tục mở rộng dòng sản phẩm phục hồi và dưỡng da với việc tận dụng nguồn cám gạo, quả gấc… và đảm bảo 100% thành phần thiên nhiên, theo hướng hữu cơ tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng sớm chấp nhận.

Lao động nông thôn nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về giới ảnh 1Huỳnh Thị Kim Hoàng nhận giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo 2018, tỉnh Long An. (Ảnh: NV/Vietnam+)

Câu chuyện của Hoàng rất bình dị song có thể xem như một tấm gương tự lực của “phái yếu” trong việc vươn lên làm kinh tế mang lại thu nhập cho bản thân đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.

Về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, Hoàng chia sẻ nhận thức của những người xung quanh và gia đình với sự lo lắng “quá’ cũng có thể trở thành rào cản.

“Khi bắt đầu khởi nghiệp, tôi gặp không ít khó khăn từ phía gia đình với nỗi lo sợ tôi sẽ gặp thất bại. Ở nông thôn, nhiều người vẫn thường có suy nghĩ an phận,” cô nói.

Ngoài ra, vấn đề về tiếp cận nguồn vốn cũng là thách thức đối với Hoàng. Cô cho biết cơ sở sản xuất của mình hiện có quy mô rất nhỏ nên nhiều thời điểm không có đủ hàng cung cấp ra thị trường. Thêm vào đó, sự tiếp cận thông tin của những người sống ở nông thôn như cô là rất hạn chế.

Rào cản về giới

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng ban Kinh tế, Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng cũng chia sẻ những kinh nghiệp tại địa phương. Bà cho rằng với đức tính cần cù, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình, thận trọng, chịu khó học hỏi, trung thực, cởi mở... phụ nữ có thể làm kinh doanh rất tốt.

“Các chị  là người chăn nuôi, sản xuất và mua - bán giỏi... Các chị có thể là chủ trang trại,  xí nghiệp, chủ cửa hàng dịch vụ hay giám đốc, tổng giám đốc công ty. Tuy nhiên, trong sản xuất kinh doanh vẫn còn những yếu tố cản trở phụ nữ làm kinh doanh, như những định kiến xã hội cho rằng ‘công việc gia đình’ là của nữ giới và ‘làm kinh tế, kiếm ra tiền’ là công việc của nam giới. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin, tính mạnh dạn và quyết tâm làm kinh doanh của phụ nữ,” bà Hương nhấn mạnh.

Lao động nông thôn nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về giới ảnh 2Phụ nữ khi làm kinh tế thường gặp khó khăn, như những gánh nặng về gia đình, sự thiếu kiến thức trong kinh doanh, thông tin thị trường và ít giao tiếp xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ có vậy, bà Hương cho biết thêm những khó khăn khác của phụ nữ khi làm kinh tế, đó là những gánh nặng về gia đình, sự thiếu kiến thức trong kinh doanh, thông tin thị trường và ít giao tiếp xã hội. Ngoài ra, họ cũng thường có tính dễ dãi, cả tin do đó nhiều khi bị mắc lừa.

Với nhận thức đó, bà cho hay Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm tới hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi. Thời gian qua, Hội phụ nữ đã hỗ trợ 168 chị khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp từ những mô hình cụ thể như trồng nấm rơm, nấm bào ngư, chăn nuôi bò, gà, mua bán phụ tùng xe, kinh doanh nhà hàng, thắt lông mi giả, thêu thủ công...

Với Hội phụ nữ tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Kim Oanh cũng trao đổi kinh nghiệm triển khai đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn tại tỉnh, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn xây dựng mô hình chuyển đổi vật nuôi, cây trồng hay chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo phương châm “ly nông nhưng không ly hương.”

Thách thức trong bối cảnh mới

Tại Việt Nam, Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform) nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Một trong những mục tiêu của Chương trình hướng tới đẩy nhanh hoạt động tái cơ cấu nâng cao năng suất lao động tại khu vực nông thôn. Trong khuôn khổ dự án, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Báo cáo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức.”

Báo cáo cho thấy nền kinh tế trong nước đã và đang hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế. Việt Nam được biết đến với lợi thế về xuất khẩu nông sản, xuất khẩu lao động và những mặt hàng thế mạnh đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì tỷ mẩn. Từ đó, vai trò của phụ nữ sẽ ngày càng được ghi nhận.

Lao động nông thôn nữ khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn về giới ảnh 3Công bố  báo cáo “Việc làm cho phụ nữ nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội và thách thức.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh chất lượng lao động tại Việt Nam còn thấp, trong khi hoạt động đào tạo nghề chưa linh hoạt. Các chương trình đào tạo cho phụ nữ chủ yếu ngắn hạn, tập trung vào các nghề phụ nữ thường làm hàng ngày, như trang điểm, cắm hoa, nấu ăn,… do đó sẽ khó tìm công việc làm trong bối cảnh mới.

Nghiên cứu của Viện cũng chỉ ra hiện 70% việc làm ẩn chứa độ rủi ro cao, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày. Trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng cho hay, 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa.

Trong tương lai, các doanh nghiệp có yêu cầu kỹ thuật giản đơn sẽ đối mặt với nguy cơ bị thay thế bằng máy móc hiện đại. Trong bức tranh chung, lao động nữ của Việt Nam sẽ là đối tượng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhiều nhất do thường tập trung trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Đáng lo ngại là báo cáo cho thấy có 70% lao động nữ tại Việt Nam đang làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để giải quyết vấn đề trên một cách căn cơ và mang tính dài hạn, bà Nhàn trình bày một số giải pháp, trong đó khuyến nghị cơ quan quản lý hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ…

Bên cạnh đó, các cấp, địa phương cần tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, như quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là ở khu vực nông thôn thôn qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động nữ song song với việc giáo dục, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bình đẳng giới về lao động – việc làm cũng cần được tăng cường nhằm đạt những kết quả thiết thực./.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn, Phó trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phát biểu:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục