Mong hãng phim truyện Việt Nam tìm được nhà đầu tư có tâm, có tầm

Trong buổi gặp gỡ ngày 21/9, các nghệ sỹ nêu lên nguyện vọng Hãng phim truyện Việt Nam cần được trao vào tay những nhà đầu tư thực sự có tâm, có tầm.
Mong hãng phim truyện Việt Nam tìm được nhà đầu tư có tâm, có tầm ảnh 1(Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)

Liên quan tới những vấn đề đang diễn ra tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam (tên mới của Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa), ngày 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam và Chi hội Điện ảnh Hãng Phim truyện Việt Nam đã gặp gỡ các nghệ sỹ, lắng nghe ý kiến để tập hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét.

Tại đây, các nghệ sỹ cho biết, họ ủng hộ chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước nhưng họ cũng bất bình vì quá trình cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra chưa minh bạch, trong đó tài sản thương hiệu và uy tín của Hãng phim truyện Việt Nam chưa được coi trọng đầy đủ, đặc biệt là sau cổ phần hóa đã có nhiều xáo trộn khiến các nghệ sỹ cảm thấy hẫng hụt...

Các nghệ sỹ cũng hết sức lo lắng việc Hãng phim truyện Việt Nam - địa chỉ đỏ của điện ảnh cách mạng nước nhà đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ; đồng thời nêu lên nguyện vọng Hãng phim cần được trao vào tay những nhà đầu tư thực sự có tâm, có tầm.

Nhà đầu tư phải thể hiện rõ bằng hành động các cam kết khi tham gia cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, vì mục tiêu phát triển của nền điện ảnh nước nhà.

Bức xúc trước những điều diễn ra trong tiến trình cổ phần hóa, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam kiến nghị các đơn vị chức năng, bộ, ngành liên quan xem xét lại toàn bộ quy trình định giá doanh nghiệp cũng như quy trình cổ phần hóa Hãng.

[Hãng Phim truyện: Cần rút kinh nghiệm trong điều hành sau cổ phần hóa]

Ông cũng cho rằng cần tiến hành kiểm tra, xác định lại quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam một cách công tâm, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước, làm tổn thương đến tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sỹ tại Hãng; đồng thời loại bỏ những quan điểm điện ảnh không đúng với chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa của đất nước và dân tộc.

Đạo diễn Quốc Tuấn cho rằng việc cổ phần hóa đáng lẽ phải là niềm vui, động lực để Hãng cũng như các đơn vị nghệ thuật khác được thay đổi, phát triển với diện mạo mới tốt đẹp hơn.

Đáng buồn là việc cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam lại “đẫm nước mắt và đầy nỗi niềm.”

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định​ Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp thu ý kiến của các nghệ sĩ tại buổi gặp gỡ hôm nay, báo cáo Phó Thủ tướng Chính Phủ.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát​ là đơn vị luôn ủng hộ quyền lợi của các hội viên, Hội Điện ảnh Việt Nam đã có văn bản gửi, các cấp, ngành liên quan đến vấn đề cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam.

Bên cạnh việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra độc lập, liên ngành để xem xét lại tiến trình cổ phần hóa, kiểm tra xác định lại giá trị doanh nghiệp ở Hãng phim truyện Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng kiến nghị có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ những quan điểm sai trái trong quá trình cổ phần hóa đi ngược với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn nghệ.

Hội kiến nghị lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có trách nhiệm tổ chức thực hiện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam chưa hoàn thành nhiệm vụ; chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, công nghệ, quản trị để trở thành cổ đông chiến lược xứng tầm tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục