Mỹ mong muốn phát triển quan hệ thương mại tích cực hơn với EU

Điện đàm với Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha, Đại diện Thương mại Mỹ nhất trí tăng hợp tác giữa hai nước vì lợi ích chung, trong đó có việc giải quyết bất đồng về trợ cấp cho Airbus và Boeing.
Mỹ mong muốn phát triển quan hệ thương mại tích cực hơn với EU ảnh 1Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai. (Nguồn: CNN)

Trong các cuộc điện đàm với các quan chức châu Âu ngày 29/3, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai nói bà mong muốn phát triển quan hệ thương mại tích cực hơn và mang tính xây dựng hơn với châu Âu, dù hai bên có những bất đồng về trợ cấp cho máy bay và thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha, Reyes Maroto, bà Tai nhất trí tăng cường hợp tác giữa hai nước vì lợi ích chung, trong đó có việc giải quyết bất đồng kéo dài 17 năm về các khoản trợ cấp cho Airbus và Boeing.

Hai quan chức cũng thảo luận về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Tây Ban Nha và vấn đề vượt công suất thép và nhôm của nước này, khiến Mỹ đánh thuế nhập khẩu kim loại, và cam kết tìm kiếm các giải pháp đôi bên cùng có lợi.

[Mỹ, EU tạm ngừng áp thuế liên quan đến tranh chấp Airbus-Boeing]

Trước đó trong ngày, bà Tai đã bày tỏ mong muốn về các mối quan hệ tốt đẹp hơn với châu Âu với Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, Margrethe Vestager.

Hai quan chức đã nhất trí hợp tác trong các ưu tiên như biến đổi khí hậu, kinh tế số.

Tuần trước, bà Tai cho biết bà đang chuẩn bị cho khả năng đánh thuế vào hàng hóa của Tây Ban Nha, Áo, Anh, Italy, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ về thuế dịch vụ kỹ thuật số mà các nước này đã thực thi. USTR cũng vẫn cảnh báo áp thuế đáp trả thuế mà Pháp đánh vào các công ty công nghệ.

Trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói về tầm quan trọng của việc giải quyết bất đồng về thuế dịch vụ kỹ thuật số thông qua các cuộc đàm phán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Bà Vestager lâu nay vẫn ủng hộ việc châu Âu đi đầu trong việc đảm bảo rằng các tập đoàn công nghệ như Google, Facebook và Apple phải đóng một khoản thuế thỏa đáng tại khu vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục