'Mỹ rút khỏi INF đe dọa sự tồn tại của hiệp ước kiểm soát vũ khí'

Theo ông John Burroughs, "tối hậu thư" của Mỹ về việc rút khỏi INF trong vòng 2 tháng tới, nếu được thực hiện, sẽ đe dọa sự tồn vong của toàn bộ thỏa thuận tương tự.
'Mỹ rút khỏi INF đe dọa sự tồn tại của hiệp ước kiểm soát vũ khí' ảnh 1Hệ thống tên lửa đạn đạo Novator 9M729 của Nga được giới thiệu tại Diễn đàn kỹ thuật-quân sự quốc tế ở Kubinka, ngoại ô Moskva ngày 17/6/2015. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo Sputniknews, ngày 5/12, ông John Burroughs, Giám đốc Văn phòng Hiệp hội luật sự quốc tế phản đối vũ khí hạt nhân thuộc Liên hợp quốc, cho rằng "tối hậu thư" của Mỹ về việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong vòng 2 tháng tới, nếu được thực hiện, sẽ đe dọa sự tồn vong của toàn bộ thỏa thuận tương tự, trong đó có Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).

Ông Burroughs nói: "Việc Mỹ thực sự rút khỏi Hiệp ước INF đe dọa sự tồn vong của toàn bộ dàn xếp kiểm soát vũ khí, cũng như sự ổn định và khả năng dự đoán trước giữa Mỹ và Nga. Hiệp ước INF là nền tảng cho các thỏa thuận theo sau về việc cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm xa. Nếu nền tảng này bị dỡ bỏ, không rõ liệu New START và việc kiểm soát cũng như cắt giảm các lực lượng hạt nhân tầm xa nói chung có thể được duy trì hay không."

[Tổng thống Nga cảnh báo sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ rút khỏi INF]

Tuy nhiên, ông Burroughs nhấn mạnh Washington và Moskva vẫn còn thời gian để tiến hành đối thoại nhằm cứu vãn hiệp ước, bởi quyết định của Mỹ rút khỏi INF sẽ chỉ có hiệu lực 6 tháng sau thời hạn "tối hậu thư."

Ông nêu rõ: "Điều này có nghĩa Mỹ và Nga có thời hạn dài - 8 tháng - để giải quyết các bất đồng liên quan các hoạt động vi phạm hiệp ước INF. Và điều này có thể được thực hiện thông qua đàm phán và các biện pháp minh bạch."

Ngoài ra, ông Burroughs khuyến cáo điều thực sự quan tọng là tạo ra một tiến trình đa phương nhằm dần cắt giảm hoàn toàn vũ khí hạt nhân, mặc dù việc thiết lập một cơ chế như vậy thậm chí sẽ mang tính thách thức hơn.

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988.

Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km).

Trong khi đó, hiệp ước New START, hết hạn vào năm 2021, hạn chế số lượng các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, các máy bay ném bom được trang bị vũ khí hạt nhân và đầu đạn hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục