Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân

Đại biểu cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ đối với Hội đồng Nhân dân các cấp.
Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này với kỳ vọng nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến vấn đề chủ động từ sớm, từ xa trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ, thể chế kiến tạo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chú trọng việc thể chế hóa, cụ thể hóa các Nghị quyết đặc thù của Quốc hội đối với mô hình tổ chức chính quyền và cơ chế chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố.

Đổi mới để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân

Nhấn mạnh trong xu thế chung của các cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương là phải chủ động trong công tác, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Hội đồng Nhân dân các địa phương cơ bản đã chủ động hơn trong công tác hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững kinh tế-xã hội địa phương mình, cụ thể hóa các chính sách đặc thù Quốc hội đã thí điểm ban hành cho một số tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Tạ Thị Yên thấy rằng có nơi, có lúc còn chậm ban hành các chính sách để thực hiện các nội dung được Quốc hội cho phép thực hiện thí điểm.

Đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, hay có những nội dung chưa được triển khai song không chỉ rõ nguyên nhân, có thể dẫn đến hiệu quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội chưa thật sự tạo động lực mới giúp các địa phương tăng cường nguồn lực đầu tư để tạo bước đột phá trong phát triển như kỳ vọng khi thiết kế chính sách.

Do đó, đại biểu cho rằng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn hoạt động của Ủy ban Thường vụ đối với Hội đồng Nhân dân các cấp.

Việc tăng cường phối hợp, mối quan hệ gắn kết giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố là rất quan trọng, phát huy nhiệm vụ, chức năng chuyên môn sâu của các cơ quan của Quốc hội trong hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, ban hành chính sách ở địa phương trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đặc biệt quan tâm tới yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội đối với việc tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân cả trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng như giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đặc biệt là Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 theo phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp tài chính-tiền tệ trong 2 năm 2022-2023, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tăng cường tính chủ động của Hội đồng Nhân dân trong việc ban hành Nghị quyết

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp, trong năm 2022, các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân, đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân nhất là công tác tổ chức, cán bộ.

[Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân]

Các địa phương cần hoàn thành việc kiện toàn các chức danh còn thiếu và chuẩn bị công tác quy hoạch đại biểu Hội đồng Nhân dân hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031. Đồng thời nâng cao vai trò của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân ảnh 2Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Khu vực phía Bắc). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nhấn mạnh chất lượng hoạt động của Hội đồng Nhân dân phụ thuộc vào chất lượng hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và từng cá nhân các vị đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhất là đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách, bà Nguyễn Thị Thanh thấy rằng cần tiếp tục phổ biến, quán triệt, thấm nhuần về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi, bổ sung cho các đại biểu, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu. Đồng thời, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, việc đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết, tăng cường tính chủ động của Hội đồng Nhân dân trong việc ban hành Nghị quyết để kịp thời phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương.

Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng Nhân dân, chất lượng hoạt động của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố cả về tổ chức và đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật;

Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các cấp, chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị để thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp hợp lý, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng. hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân, với Ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.

Trưởng ban Công tác đại biểu lưu ý tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Hội đồng Nhân dân.

Thực hiện các “kỳ họp, phiên họp không giấy,” các báo cáo, kết quả giám sát sẽ được sử dụng tối đa thông qua hình ảnh cụ thể “video clip” đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Đổi mới việc cung cấp thông tin cho đại biểu giúp đại biểu có đủ thông tin chính xác để phục vụ xem xét, đánh giá và đề xuất đúng vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng đề án và ban hành nghị quyết nhằm tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động Hội đồng Nhân dân các cấp, tăng cường sự gắn kết của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hội đồng Nhân dân các cấp; đề án và Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân và đại biểu Hội đồng Nhân dân.

Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần giúp hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nâng cao chất lượng, hiệu quả. Qua đó tạo nên sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa các cơ qua dân cử ở Trung ương và địa phương, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện cho cử tri, nhân dân đã bầu ra mình, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Sau hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức 2 Hội nghị tiếp theo trong tháng 3/2022 đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực miền Trung (thành phố Đà Nẵng vào 7/3/2022) và khu vực miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh vào 21/3/2022)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục