Thời tiết nắng nóng bất thường trên diện rộng tại Bạc Liêu đã làm thiệt hại gần 3.000 ha nuôi tôm; trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% chiếm hơn 2.400 ha, chủ yếu ở mô hình nuôi công nghiệp.
Việc tôm chết trên diện rộng trong thời gian qua ở vùng Nam Quốc lộ 1 đã tạo tâm lý lo lắng cho người nuôi. Vì vậy, bà con chưa dám thả nuôi mới nên diện tích khắc phục hiện vẫn dừng ở con số khoảng 1.000 ha.
Cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu tôm kiểm tra ở 33 điểm, kết quả cho thấy có đến 14 mẫu bị bệnh hoại tử gan tụy; 2 mẫu dương tính với bệnh virus đầu vàng; 1 mẫu nhiễm virus đốm trắng.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do con giống tôm bị nhiễm bệnh, người mua không kiểm tra mầm bệnh kỹ trước khi thả nuôi nên dẫn đến thiệt hại đáng tiếc.
Công tác kiểm tra an toàn con giống đang được khẩn trương thực hiện triệt để. Tất cả 200 cơ sở thuần dưỡng, sản xuất con giống tại chỗ đều phải đưa xét nghiệm kiểm tra dịch bệnh trên con giống trước khi đưa ra thị trường bán và cơ sở phải chịu trách nhiệm về con giống đã bán cho người nuôi tôm.
Hiện nay việc kiểm tra con giống nhập vào địa bàn còn nhiều bất cập, chỉ có một cơ sở kiểm tra dịch bệnh tôm trên Quốc lộ 1. Ngoài ra, con giống thường được đưa vào địa bàn qua đường sông nên khó kiểm tra dịch bệnh.
Qua kiểm tra của trạm kiểm dịch giống thuỷ sản, trong tháng 4 đã xét nghiệm 2.575 mẫu tôm, thì có đến 766/1978 mẫu bị nhiễm bệnh MBV; 45/247 mẫu bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và 19 mẫu nuớc bị nhiễm khuẩn phải xử lý.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, trong tuần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành kiểm tra tình hình tôm chết trên địa bàn và bàn các giải pháp khắc phục.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trên địa bàn; nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời trong việc xử lý đáy ao; không dùng thuốc có nguồn gốc bảo vệ thực vật trong xử lý nuớc./.