NATO khẳng định tiếp tục hiện diện quân sự tại Đông Âu

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các ngoại trưởng sẽ thông qua việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh, được coi là "mũi nhọn" của liên minh vào đầu năm sau.
NATO khẳng định tiếp tục hiện diện quân sự tại Đông Âu ảnh 1Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) đã có cuộc gặp với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (trái) và Nhà điều hành cấp cao Afghanistan Abdullah Abdullah (phải) đang có chuyến thăm và làm việc ở trụ sở NATO. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp ngày 2/12 ở Brussels, các Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thảo luận về sự hiện diện quân sự của đồng minh tại Đông Âu nhằm đối phó với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các ngoại trưởng sẽ thông qua việc triển khai lực lượng phản ứng nhanh, được coi là "mũi nhọn" của liên minh vào đầu năm sau.

Kế hoạch này đã được thông qua tại Hội nghị Thượng định của NATO hồi đầu tháng Chín vừa qua nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ tập thể của đồng minh, đồng thời cũng đối phó với mối đe dọa của lực lượng thánh chiến ở miền Nam, đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO có chung đường biên giới với Iraq và Syria.

Tổng thư ký Stontenberg nhấn mạnh "Kế hoạch sẵn sàng hành động" (RAP) dự kiến tiến hành kể từ năm 2016, nhằm mục đích giúp Liên minh triển khai một cách nhanh nhất trong trường hợp cần thiết chỉ trong vài ngày với hàng nghìn quân lính, thậm chí khoảng 4.000 quân trên toàn bộ vùng lãnh thổ của đồng minh bị đe dọa. Bên cạnh đó, NATO cũng thực hiện việc gửi quân tới Đông Âu nhằm tham gia vào các cuộc tập trận để đối phó với Nga.

Lực lượng này sẽ được xây dựng từ lực lượng phản ứng nhanh của NATO (NRF) với số lượng khoảng 13.000 người. Trong trường hợp cần thiết, số lượng binh sĩ được huy động sẽ lên đến 40.000 người.

Bên cạnh đó, theo Tổng thư ký NATO, Liên minh cũng có ý định thành lập một lực lượng tạm thời với trình độ rất cao với trụ cột là Đức, Na Uy, Hà Lan để sẵn sàng ngăn chặn và bảo vệ đồng minh khỏi các cuộc tấn công có thể xuất hiện ở biên giới.

Tại cuộc họp ngày 2/12, các ngoại trưởng NATO cũng bàn bạc về vấn đề tài chính dành cho lực lượng phản ứng nhanh này trong bối cảnh ngân sách quốc phòng của các đồng minh đều giảm. Các ngoại trưởng cũng tái khẳng định ủng hộ Ukraine, quốc gia hiện bày tỏ mong muốn gia nhập NATO bằng việc xây dựng một quỹ tín thác để giúp đào tạo lực lượng an ninh Ukraine.

Bà Oana Lungescu, người phát ngôn của NATO cho biết, sự tham dự của Tổng thống Afghanistan Mohammad Ashraf Ghani và nhà điều hành cấp cao Abdullah Abdullah tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO là những tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự tiếp tục ủng hộ của NATO và cộng đồng quốc tế đối với Afghanistan.

Sau ngày 1/1/2015, NATO sẽ triển khai tại Afghanistan một lực lượng mới với tên gọi "Resolute" có mục đích đào tạo, tư vấn và hỗ trợ an ninh cho lực lượng của Afghanistan. Ngày 3/12, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ chủ trì tại Brussels một cuộc họp với đại diện 60 quốc gia thành viên liên minh chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) tại Iraq và Levant, trong đó NATO không giữ bất kỳ một vai trò trực tiếp nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục