Nền kinh tế Nga liệu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất?

Bất chấp các biện pháp cô lập kinh tế, từ tháng 1-5/2022, ngân sách Liên bang Nga đã thặng dư tới 1.500 tỷ ruble, tương đương gần 25 tỷ USD, trong khi ngân sách hợp nhất thặng dư đạt 3.300 tỷ ruble.
Nền kinh tế Nga liệu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất? ảnh 1Quang cảnh bên ngoài tòa cao ốc Trung tâm thương mại quốc tế Moskva ở thủ đô Moskva, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi còn chưa kịp hồi phục sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu đã ngay lập tức phải đối mặt với thách thức mới, đó là các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có của phương Tây nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Ukraine.

Căng thẳng địa chính trị khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, các hoạt động kho vận (logistics) bị hạn chế đáng kể khiến nhiều mặt hàng tăng cao, tình trạng lạm phát tăng phi mã được ghi nhận ở khắp nơi trên thế giới.

Nền kinh tế vươn mình trong khó khăn

Trong khi Mỹ và phương Tây cáo buộc Nga sử dụng năng lượng, lương thực, thực phẩm làm "vũ khí" gây áp lực thì Nga cho rằng việc áp đặt bừa bãi các lệnh trừng phạt chống Nga của Mỹ và phương Tây là sai lầm chiến lược, gây tổn hại cho chính nền kinh tế các quốc gia này.

Theo ước tính của các chuyên gia Nga, thiệt hại đối với Liên minh châu Âu (EU) do các lệnh cấm vận có thể lên tới 400 tỷ USD trong năm nay.

Lạm phát ở một số nước trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã vượt 20%, trong khi con số này tại Mỹ cũng đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm.

Trong khi đó, kinh tế Nga không nằm ngoài xu hướng chung của toàn cầu. Tháng 4/2022, Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat) thông báo lạm phát tại nước này ở mức 17,8% - mức cao kỷ lục trong hai thập kỷ vừa qua. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga cũng chạm mức cao lịch sử 4,1% vào tháng 3/2022.

Tình trạng mất việc làm chủ yếu diễn ra trong các ngành sản xuất phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ phương Tây như ngành công nghiệp ô tô, thiết bị gia dụng, luyện kim…

Để kiểm soát sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế, Nga nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước như kích thích các sáng kiến tư nhân bằng cách giảm bớt gánh nặng hành chính, khởi động các chương trình cho vay ưu đãi và áp dụng ưu đãi về thuế và hải quan.

Trong lĩnh vực tài chính, Nga quy định các doanh nghiệp xuất khẩu phải bán 80% ngoại tệ thu được; hạn chế bán ngoại tệ cho người dân; cấm người không cư trú ở Nga rút tiền khỏi Nga; tăng lãi suất cơ bản lên mức 20%, trước khi điều chỉnh xuống mức 9,5% hiện nay.

Đáng chú ý, một biện pháp rất được giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao, và thực tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, đó là việc yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" thanh toán mua khí đốt Nga bằng đồng ruble.

Các biện pháp của Chính phủ Nga đang cho thấy hiệu quả tích cực. Nhu cầu đối với đồng ruble tăng đã đẩy giá trị của đồng tiền quốc gia Nga tăng tới 40% so với mức trung bình của 5 năm gần đây, qua đó làm giảm áp lực lạm phát.

Theo Rosstat, chỉ số lạm phát tính theo năm ở Nga trong tháng Sáu đã giảm xuống mức 15,9% so với mức 17,1% trong tháng Năm. Thậm chí nếu xét theo tháng, Rosstat còn ghi nhận tình trạng giảm phát trong tháng Sáu.

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Nga cũng cải thiện đáng kể, đạt 586,6 tỷ USD tính đến ngày 1/7.

Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga (BoR), tính đến ngày 24/6, dự trữ ngoại hối của Nga là 586,1 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong một tuần, dự trữ ngoại hối đã tăng 0,7 tỷ USD, tương đương 0,12%.

[Kinh tế Nga: Dự trữ ngoại tệ tăng trở lại, lạm phát giảm]

Bất chấp các biện pháp cô lập kinh tế, từ tháng 1-5/2022, ngân sách Liên bang Nga đã thặng dư tới 1.500 tỷ ruble, tương đương gần 25 tỷ USD, trong khi ngân sách hợp nhất thặng dư đạt 3.300 tỷ ruble.

Chỉ riêng tháng 5/2022 ngân sách Liên bang đã thặng dư tới 500 tỷ ruble, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

"Sóng yên biển lặng"?

Câu hỏi đặt ra là với những số liệu này, liệu kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà khôi phục hay chưa?

Nhiều chuyên gia kinh tế cẩn trọng cho rằng hiệu quả các lệnh trừng phạt thường có "độ trễ" nhất định, từ đó bày tỏ lo ngại kinh tế Nga sẽ chịu tác động tiêu cực trong giai đoạn hai quý cuối năm 2022.

Ngoài ra, việc đồng ruble mạnh lên sẽ gây bất lợi cho ngành xuất khẩu của Nga - lĩnh vực thế mạnh đóng góp chính vào ngân sách nhà nước.

Nền kinh tế Nga liệu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất? ảnh 2Người dân mua hàng tại siêu thị ở Moskva, Nga, ngày 6/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô có phần giảm xuống trong thời gian gần đây, Nga đã nới lỏng hạn chế để cân bằng lợi ích xuất nhập khẩu như giảm bắt buộc bán ngoại hối từ 80% xuống 50%; giảm lãi suất cơ bản xuống mức 9,5%.

Tuy nhiên, phần lớn giới chức nhà nước và các chuyên gia hàng đầu dự báo quan hệ căng thẳng giữa Nga-phương Tây sẽ còn kéo dài và những rủi ro từ các lệnh trừng phạt vẫn luôn rình rập kinh tế Nga.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Nga xác định nhiệm vụ cấp bách hiện nay là chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế nhằm tìm kiếm mô hình mới thông qua đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung và nhu cầu trên thị trường nội địa.

Đối với thương mại quốc tế, Nga thúc đẩy thiết lập lại chuỗi cung ứng, thị trường, hệ thống thanh toán quốc tế mới "phi phương Tây" thông qua các cơ chế hội nhập do Nga và Trung Quốc dẫn đầu như Khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU)…

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St-Peterburg tháng 6/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh 6 nguyên tắc để phát triển bền vững nền kinh tế trong dài hạn.

Đầu tiên là duy trì một nền kinh tế cởi mở, mở rộng hợp tác với tất cả các quốc gia có mong muốn, thúc đẩy các dự án hợp tác chung, phát triển hệ thống thanh toán bằng đồng nội tệ thuận tiện và độc lập.

Thứ hai là thúc đẩy tự do doanh nghiệp. Nga chủ trương ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân để nâng cao khả năng thích nghi và cạnh tranh trong bối cảnh tình hình thế giới biến động liên tục. Tổng thống kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào thị trường nội địa.

Thứ ba, chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm và cân bằng là rất quan trọng. Nga không chủ trương giải quyết các vấn đề cấp bách trong ngắn hạn mà hướng tới phát triển kinh tế trong dài hạn, qua đó làm giảm gánh nặng lạm phát đối với công dân và doanh nghiệp, đưa lạm phát trở về mục tiêu 4% cả trong trung và dài hạn.

Thứ tư, đảm bảo công bằng xã hội. Nga sẽ hướng tới việc giảm nghèo đói và bất công, cũng như giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng, tạo thêm việc làm ở những khu vực cần thiết.

Thứ năm, Nga sẽ đi trước trong phát triển hạ tầng thông qua việc đẩy mạnh phát triển các thành phố vùng Viễn Đông và xây dựng hạ tầng nông thôn.

Cuối cùng và cũng không kém phần quan trọng là nâng cao chủ quyền công nghệ, đưa mọi lĩnh vực đời sống lên tầm cao mới về công nghệ, nắm được chìa khóa công nghệ nhằm tạo ra hàng hóa và dịch vụ của tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục