Bắn một con cá bay trên không bằng cung và tên không khó như bạn tưởng. Ít nhất điều này đúng khi mục tiêu là một con cá chép châu Á nặng 9kg và chúng nhiều tới mức con trúng tên có thể không phải là con đã bị ngắm bắn. "Đó là điều tôi thích được thấy. Bỏng ngô!" - thuyền trưởng Nathan Wallick hô lên đầy phấn khích khi ông lái con thuyền của mình vào một đàn cá chép trên sông Illinois, lớn tới mức chúng khiến một khúc sông sủi bong bóng. Những con cá có gốc châu Á, vốn đang gây vấn đề trong các vùng nước ở Trung Tây Mỹ, là những sinh vật rất sợ âm thanh của xuống gắn máy. Chỉ cần gắn thêm một lớp nhôm vào vỏ tàu để tăng cường sự rung động và những con cá này sẽ thi nhau tự sát. Xác cá chết vì nhảy lên khỏi mặt nước để chạy trốn tiếng động và không thể trở lại nằm đầy trên các bến cảng ở vùng Peoria, nơi Wallick đón khách tham gia chuyến đi săn cá bằng cung kéo dài một ngày. Ngay cả những tấm lưới bóng rổ mà Wallick lắp xung quanh con thuyền của mình cũng không đủ để giữ cho nó sạch sẽ. Cá chép nhảy qua khoảng không không được che chắn quanh động cơ hoặc khoảng trống hẹp ở phía dưới các tấm lưới. Một số con khỏe hơn còn bay qua cả lưới lên thuyền. Wallick sẽ nhặt chúng lên rồi yêu cầu khách hàng chuẩn bị ngắm bắn. "Kéo dây cung", ông hô lên khi tung con cá lên không. Bryan York đã bắn trượt phát đó. Nhưng vài phút sau, tiếng hoan hô vang lên khi anh bắn trúng một con khác và kéo nó tại tàu. "Tôi cảm thấy sự chết chóc" - York cười khi anh lôi con cá vẫn đang ngọ ngoạy khỏi mũi tên và ném nó vào sọt rác.
"Thật tuyệt vời" - bạn York, Ron Nguyen nói, vai anh đầy chất nhầy sau khi bị một con cá chép nhảy trúng người. Anh đã bị sốc khi thấy những đoạn video quay cảnh săn cá bằng cung trên mạng không phải là chuyện phóng đại. "Tôi không thể tin cho tới khi tận mắt chứng kiến" - anh nói. Cá chép châu Á vốn được nhập khẩu tới miền Nam Mỹ trong những năm 1970 để giúp giữ sạch các ao tù ở những nông trại cá và các nhà máy xử lý nước thải. Tuy nhiên những trận lụt lớn đã giúp chúng thoát ra ngoài và sinh sôi nảy nở trong hệ thống sông Mississippi vào đầu những năm 1990. Kể từ đó, chúng đã xuất hiện trên phần lớn miền Trung Mỹ. Loài cá có tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh và rất phàm ăn này, vốn được gọi là máy hút bụi dưới nước, đã quét sạch các sinh vật bản địa và để lại những vấn đề lớn tại các hồ nước, các con sông mà chúng xâm lấn. Trong khi Wallick và các khách hàng có thể đã được một ngày vui thú, phần lớn những người khác lại không sẵn sàng dựng lưới bảo vệ, hoặc không muốn đối mặt với khả năng bị trầy xước, thậm chí gẫy xương sau 1 ngày hoạt động trên sông. Những con cá chép bạc có thể nhảy cao tới 3 mét và nặng tới 27kg. Cá chép đầu to không nhảy lên như thế, nhưng chúng có thể lớn tới 50kg và dài tới 2,1 mét. Dù Mỹ đã triển khai rất nhiều hoạt động để ngăn chặn sự sinh sôi nảy nở của cá chép, gồm việc sử dụng lưới điện ở thượng nguồn sông gần Chicago, chúng vẫn sống sót và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng đã lan tới hồ Michigan. Điều đó có nghĩa là toàn bộ vùng Hồ lớn nằm dọc theo biên giới Mỹ- Canada và môn thể thao câu cá cùng ngành công nghiệp cá trị giá 7 tỉ USD đang bị đe dọa. Wallick không phải là người mê cá chép. Ông lắc đầu đầy ghê tởm trước chất nhầy của cá chép để lại con thuyền của mình. Dù được xem là đặc sản ở châu Á, phần lớn người Mỹ lại không thích ăn cá chép vì họ cho rằng chúng quá nhiều xương và thịt thì nhạt. Giới chức địa phương đang cố gắng thay đổi quan điểm này bằng cách gọi cá chép là "cá ngừ Kentucky" và còn tuyển mộ các đầu bếp hàng đầu để họ giới thiệu những công thức chế biến cá chép phù hợp với đĩa ăn của người Mỹ. Thậm chí người ta còn tính chuyện chế biến cá chép cho tù nhân ăn và đóng hộp thịt cá chép để phát cho các ngân hàng thực phẩm, thay vì các loại cá ngừ đắt tiền.
Wallick, một lính cứu hỏa đã thành lập công ty Peoria Carp Hunters hồi mùa hè năm ngoái để kiếm thêm, đã mang những con cá săn được để đổi lấy những con chó sói đồng cỏ người ta săn được gần nhà của ông. Và trong khi không ăn cá chép, ông rất thích thú với việc bắn chúng. "Săn cá chép là một sự tham gia không ngừng, một hoạt động không ngừng. Thời gian nghỉ ngơi duy nhất của người ta là khi tay họ đã quá đau không thể kéo cung và họ buộc phải trao cây cung cho người kế tiếp" - ông nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)