Nhân tố Trung Quốc tác động tới triển vọng thương mại châu Á-TBD

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á-TBD giảm niềm tin vào triển vọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh do kinh tế Trung Quốc giảm tốc và những rủi ro gia tăng ở các thị trường mới nổi.
Nhân tố Trung Quốc tác động tới triển vọng thương mại châu Á-TBD ảnh 1Trụ sở Ngân hàng nhân dân Trung Quốc. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát điều tra của công ty nghiên cứu PricewaterhouseCoopers (PwC), các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á-Thái Bình Dương đang giảm dần niềm tin vào triển vọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh do nền kinh tế của Trung Quốc giảm tốc và những rủi ro gia tăng ở các thị trường mới nổi.

Chỉ có 28% số doanh nhân có hoạt động đầu tư vào các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương cho biết họ tin triển vọng doanh thu sẽ tăng trong 12 tháng tới.

Tỷ lệ này giảm từ mức 46% năm 2014 và là mức thấp nhất kể từ năm 2012, khi nghiên cứu này lần đầu tiên được thực hiện trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC.

Theo PwC, nhu cầu sụt giảm ở Trung Quốc đang làm “giảm nhiệt” những dự đoán ở mọi lĩnh vực và mọi nền kinh tế trong khu vực. Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,3% năm 2014, mức thấp nhất kể từ năm 1990, và chỉ tăng 6,9% trong quý 3/2015, mức thấp nhất trong sáu năm qua.

Sau một năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á đạt mức cao kỷ lục, giới lãnh đạo doanh nghiệp đã trở nên khá lo ngại trước những tín hiệu của thị trường tài chính.

Khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay còn để ngỏ và bầu cử tổng thống ở Mỹ trong năm tới, các cuộc bầu cử ở Philippines, Singapore, Thái Lan và Peru cũng làm tăng thêm mối lo ngại của giới đầu tư.

Nghiên cứu của PwC cho thấy 60% số lãnh đạo doanh nghiệp ở APEC tin rằng APEC đang trên lộ trình đúng hướng tiến tới hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, với 24% số ý kiến cho rằng một khu vực tự do thương mại ở Thái Bình Dương có thể được thành lập vào năm 2020.

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho hay hội nghị APEC năm nay sẽ coi “tăng trường là tâm điểm của hội nhập kinh tế khu vực.”

Trước đó, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC Alan Bollard cũng cho hay hội nhập giữa các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ sẽ có một tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục