Đối thoại cấp cao APEC về kinh doanh toàn diện tại Philippines

Ngày 12/11, Đối thoại cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về kinh doanh toàn diện đã diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines.
Đối thoại cấp cao APEC về kinh doanh toàn diện tại Philippines ảnh 1(Nguồn: rappler.com)

Ngày 12/11, Đối thoại cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về kinh doanh toàn diện đã diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines.

Tham dự đối thoại có khoảng 200 phái đoàn đến từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC.

Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines kiêm giám đốc Hội đồng Đầu tư Adrian Cristobal Jr cho biết đối thoại tập trung vào việc tạo hiểu biết chung về kinh doanh toàn diện giữa các nước thành viên APEC và lên kế hoạch về cách thức tiếp tục xây dựng kinh doanh toàn diện khi Peru kế nhiệm Philippines làm Chủ tịch APEC vào năm 2016.

Kinh doanh toàn diện bao gồm các hình mẫu kinh doanh có lợi nhuận giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau mà các cộng đồng nghèo và thu nhập thấp phải đối mặt.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn 700 triệu người đang phải sống dưới mức nghèo đói là 1,25 USD/ngày, đây gọi là nhóm đáy kim tự tháp. Các hình mẫu kinh doanh toàn diện sẽ biến nhóm này thành một thị trường hàng hoá và dịch vụ mới, là nơi tập trung các lao động có tay nghề, và năng lực điều hành kinh doanh để có thể tăng cường hệ thống cung cấp và phân phối cho các công ty.

Thông qua việc biến nhóm đáy kim tự tháp thành tập hợp của khách hàng, nhà cung cấp và nhân viên, các doanh nghiệp sẽ trở thành những đối tác dài hạn của cộng đồng nghèo, qua đó đảm bảo việc mọi người đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế.

Cùng ngày, APEC đã triển khai sáng kiến giúp các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Theo Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima, được triển khai tại thành phố Makati, Manila, Mạng lưới Phát triển Hạ tầng Tài chính (FIDN) là một mạng lưới tập các hợp các chuyên gia từ khu vực công và tư nhân, bao gồm các tổ chức quốc tế, hiệp hội công nghiệp, để hỗ trợ các nền kinh tế APEC trong việc cải cách hạ tầng tài chính.

Ông Purisima cho biết MSME đóng góp tới hơn 60% lao động tại các nền kinh tế APEC, song khoảng 40% nhu cầu tài chính của khu vực này lại không được đáp ứng. Việc thiết lập FIDN nằm trong Kế hoạch hành động Cebu (CAP), một lộ trình hướng tới tương lai tài chính bền vững hơn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

FIDN được thành lập với tư cách là một nhóm xã hội hoá trong Diễn đàn tài chính châu Á-Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thông tin tín dụng hiệu quả, cũng như đảm bảo các giao dịch an toàn và tránh vỡ nợ, theo đó hỗ trợ việc sử dụng các tài sản có thể thanh toán để thế chấp tại các thị trường tín dụng, giúp nhóm MSME tiếp cận được nguồn tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục