Nhật Bản chứng kiến chuỗi số liệu kinh tế không mấy sáng sủa

Lĩnh vực máy móc cơ bản chứng kiến sản lượng sụt giảm tới 3,5% và sản lượng của các hãng sản xuất máy móc điện tử giảm 2,3%.
Nhật Bản chứng kiến chuỗi số liệu kinh tế không mấy sáng sủa ảnh 1Dây chuyền sản xuất xe của Toyota tại nhà máy ở thành phố Toyota, quận Aichi, miền trung Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Nhật Bản ngày 26/12 công bố báo cáo sơ bộ cho thấy sản lượng công nghiệp của nước này giảm 0,6% trong tháng 11/2014 so với tháng trước.

Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế vẫn chưa phục hồi trở lại sau đợt tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014.

Chỉ số sản xuất tại các nhà máy và hầm mỏ đứng ở mức 97,8 so với mức tiêu chuẩn 100 của năm 2010. Kết quả trên so sánh với kỳ vọng tăng 0,8% của thị trường và xuất hiện sau hai tháng tăng sản lượng tính đến tháng 10/2014. METI vẫn duy trì đánh giá cơ bản về sản lượng và khẳng định sản lượng đang chững lại.

Xét về ngành nghề, lĩnh vực máy móc cơ bản chứng kiến sản lượng sụt giảm tới 3,5% và sản lượng của các hãng sản xuất máy móc điện tử giảm 2,3%. Trong khi đó, Các hãng sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử lại chứng kiến mức tăng tới 2,3% trong khi sản xuất của các doanh nghiệp thiết bị vận tải trong đó có ôtô tăng 0,5%. Chỉ số lô hàng công nghiệp giảm 1,4% xuống 97,2 trong khi chỉ số hàng tồn kho tăng 1% lên mức 112,4.

Cùng ngày, Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản công bố dữ liệu theo đó chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản tăng 2,7% trong tháng 11/2014 so với năm trước, đánh dấu mức tăng tháng thứ 18 liên tiếp.

Chỉ số giá tiêu dùng cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống, đứng ở mức 103,4 so với mức tiêu chuẩn 100 của năm 2010. Tốc độ tăng giá chậm lại so với 2,9% trong tháng trước, đánh dấu mức tăng nhỏ nhất kể từ khi giá tiêu dùng được nâng lên từ 5% lên 8% hồi tháng 4/2014.

Trong số các sản phẩm chủ yếu, chi phí năng lượng tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm so với mức tăng 4,9% của tháng 10/2014 nhờ đà tăng về chi phí giá nhiên liệu chậm lại.

Giá các đồ gia dụng và giải trí tăng lần lượt 3,9% và 2,2% trong tháng 11. Tuy nhiên, các mức tăng này nhỏ hơn so với 7,3% và 4,1% hồi tháng 10/2014.

Theo Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014 đã đẩy lạm phát lên khoảng 2%. Mục tiêu của BOJ là nâng tỷ lệ lạm phát lên 2%, loại trừ tác động của tăng thuế, tính đến tháng 3/2016.

Trong khi việc tăng thuế đang đè nặng lên tâm lý tiêu dùng, dữ liệu tiêu dùng mà Bộ Nội vụ công bố cho thấy có những tín hiệu cải thiện. Chi tiêu trung bình hàng tháng của các hộ gia đình trong tháng 11/2014, đã điều chỉnh lạm phát, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 8 liên tục, chi tiêu của các hộ gia đình giảm nhưng khoảng cách đã thu hẹp hơn so với mức 4% hồi tháng 10/2014.

Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 26/12 cũng công bố chỉ số về khả năng tìm việc của Nhật Bản tháng 11/2014 tăng trong tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy các công ty vẫn có nguyện vọng tuyển thêm nhân công nhờ lợi nhuận doanh nghiệp đang cải thiện.

Tỷ lệ việc làm khả quan cho các ứng viên tăng lên 1,12 theo báo cáo tháng 11 so với mức 1,1 của tháng 10/2014. Điều này có nghĩa là cứ 112 vị trí có đủ khả năng đáp ứng cho 100 người xin việc. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức tương đương 3,5% trong tháng 11 so với tháng trước. Số lượng người thất nghiệp điều chỉnh theo mùa giảm 2,1% xuống 2,29 triệu người.

Trong khi đó, Bộ Nội vụ cho biết 20,12 triệu trong số 63,71 triệu người có việc trong tháng 11 là hợp đồng có thời hạn, có nghĩa là khoảng 30% người đi làm sẽ đối mặt với tình cảnh bấp bênh. Đây là lần đầu tiên số lượng người làm công việc không thường xuyên lên tới mức đỉnh 20 triệu người kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập vào năm 1984./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục