Nhật Bản xúc tiến các biện pháp mới nhằm đối phó với lạm phát

Thủ tướng Nhật Bản sẽ chỉ thị các cơ quan chức năng mở rộng hỗ trợ bằng cách đáp ứng nhu cầu của từng khu vực và thực hiện các biện pháp bổ sung tập trung vào các mặt hàng năng lượng và thực phẩm.
Nhật Bản xúc tiến các biện pháp mới nhằm đối phó với lạm phát ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/8/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 12/8, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp mới để giảm thiểu tác động do giá cả tăng cao, trong đó kiềm chế lạm phát được xem là ưu tiên hàng đầu đối với Nội các mới được cải tổ.

Phát biểu tại cuộc họp với sự tham dự của các Bộ trưởng mới được bổ nhiệm và lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Kishida cho biết việc giá cả hàng hóa tăng vọt, đặc biệt là giá năng lượng và thực phẩm, đang có "tác động rất lớn" đối với các công ty và người tiêu dùng.

[Doanh nghiệp Nhật ngày càng bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế]

Ông nhấn mạnh: "Bánh mỳ và mỳ sợi, được làm từ lúa mỳ, là những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Điều quan trọng là giá cả của những mặt hàng này phải ổn định."

Ông cho biết sẽ chỉ thị các cơ quan chức năng mở rộng hỗ trợ bằng cách đáp ứng nhu cầu của từng khu vực và thực hiện các biện pháp bổ sung tập trung vào các mặt hàng năng lượng và thực phẩm.

Giá năng lượng, nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng cao, phần lớn là do cuộc xung đột Nga-Ukraine, đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, bao gồm các khoản trợ cấp nhằm giảm giá xăng bán lẻ, hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng vì chi phí phân bón tăng cao và giữ cho giá lúa mì nhập khẩu không tăng vượt mức trước khi xảy ra cuộc xung đột hồi tháng 2 năm nay.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn các số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nợ công của nước này đã tăng lên mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể, vào cuối tháng Sáu vừa qua, tổng dư nợ nợ công của chính quyền trung ương là hơn 1,255 triệu tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, với dân số tính tới ngày 1/7 là khoảng 124,84 triệu người, nợ công bình quân đầu người của Nhật Bản là 10,05 triệu yen/người.

Tổng dư nợ nợ công (bao gồm trái phiếu chính phủ, hối phiếu tài chính và các khoản vay nợ) tăng 13.885,7 tỷ yen so với thời điểm cuối tháng 3/2022 (tức là cuối tài khóa 2021), trong đó dư nợ hối phiếu tăng 24.299,9 tỷ yen lên 110.498,8 tỷ yen, còn dư nợ trái phiếu lại giảm 7.075,9 tỷ yen xuống còn 984.335,3 tỷ yen.

Nguyên nhân chủ yếu khiến cho nợ công của Nhật Bản tiếp tục tăng là do nước này phải chi các khoản rất lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19, trong khi chi phí an sinh xã hội cũng phình to do tình trạng già hóa dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục