Nhiều bất cập khi thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc ở môi trường số

Những ngày gần đây, dư luận xã hội, đặc biệt là nhiều người trong giới âm nhạc, rất bức xúc về việc nhạc sỹ Giáng Son, tác giả ca khúc “Giấc mưa trưa," bị tố vi phạm bản quyền trên Youtube.
Nhiều bất cập khi thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc ở môi trường số ảnh 1Nhạc sỹ Giáng Son, tác giả ca khúc 'Giấc mơ trưa' bị tố vi phạm bản quyền đối với chính tác phẩm của mình.

Bị “tố” vi phạm bản quyền với chính tác phẩm do mình sáng tác khiến nhiều nhạc sỹ bức xúc. Điều này cũng gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Nguyên nhân là do một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở trong môi trường kỹ thuật số để lách luật và “nhận vơ” quyền tác phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ.

Nhạc sỹ bị tố "ăn cắp" tác phẩm của chính mình

Những ngày gần đây, dư luận xã hội, đặc biệt là nhiều người trong giới âm nhạc, rất bức xúc về việc nhạc sỹ Giáng Son, tác giả ca khúc “Giấc mưa trưa," bị tố vi phạm bản quyền trên mạng xã hội Youtube.

Trong bản kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị mà nhạc sỹ đã ủy quyền, nhạc sỹ Giáng Son viết: “Tôi mới thành lập một kênh Youtube cho riêng mình mang tên 'Giáng Sol Official' để chia sẻ các bài hát, album âm nhạc của mình đến các khán giả yêu nhạc vào ngày 25/9/2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên “Giáng Son," sản xuất và phát hành năm 2007. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi. Sau khi tôi đưa lên vài ngày thì có thông báo khiếu nại của BH Media 'thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền.' Tôi vô cùng bức xúc vì tôi không hề ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BH Media. Mọi sở hữu bản quyền phải thuộc về tôi."

Ngày 27/10 tại Hà Nội, Công ty BH Media đã tổ chức một cuộc họp báo về “Bản quyền âm nhạc trên môi trường số," trong đó có đề cập vụ việc của nhạc sỹ Giáng Son bị “đánh gậy bản quyền” trên Youtube.

Theo thông cáo báo chí của BH Media, nhạc sỹ Giáng Son đã hiểu lầm về bản quyền trên Youtube, bởi bản ghi “Giấc mơ trưa” của Giáng Son tải lên giống với bản ghi “Giấc mơ trưa” của nghệ sỹ Dương Thuỳ Anh đã tải lên trước đó.

Khi phát hiện bài hát của Giáng Son được đăng tải, cơ chế quét bản quyền tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu, gửi “thông báo xác nhận bản quyền” tới nhạc sỹ Giáng Son. Thông báo này nhằm để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền, không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần nhạc sỹ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video.

Tuy nhiên, nhạc sỹ Giáng Son khẳng định chị không ký độc quyền ca khúc này cho bất kỳ bên nào, nên việc chị bị "đánh" về bản quyền là điều hết sức vô lý.

[Thu gần 37 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong quý Hai]

Bộ phận Pháp chế của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cũng nhấn mạnh những khiếu nại và bức xúc của nhạc sỹ Giáng Son về việc bài hát “Giấc mơ trưa” đăng tải trên kênh Giáng Sol Official bị báo cáo (về vi phạm) bản quyền bản ghi bởi BH Media là hoàn toàn có cơ sở.

Ngày 28/10, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã có thông báo gửi các cơ quan báo chí và khẳng định việc BH Media xác nhận mình là “chủ sở hữu bản quyền" đối với bản ghi âm, ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất chắc chắn là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả, không hề có hiểu lầm trong sự việc này.

Chính vì nhận thức rõ hành vi nên BH Media đã ngay lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sỹ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông. Việc BH Media cho rằng trên Youtube có nhiều bản ghi “Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác, trong khi tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai, cũng là hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, khoản 2, Điều 6-Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền liên quan chỉ phát sinh “kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả." Ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm “Giấc mơ trưa."

Nhạc sỹ Giáng Son vừa là người sáng tác bài hát, vừa là chủ sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sỹ đăng tải trên kênh cá nhân; trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sỹ Giáng Son. Phía BH Media giải thích rằng việc phát hiện nội dung trùng khớp là do hệ thống tự động (Youtube) thực hiện, do có sự trùng khớp một phân đoạn rất nhỏ so với bản thu của Thùy Anh… Sự giải thích này là chưa thấu đáo. Bởi trường hợp này là do chính BH Media tuyên bố là có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho Youtube thì hệ thống (Youtube) mới có thể thực hiện quét tự động.

Nhiều bất cập khi thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc ở môi trường số ảnh 2Ảnh minh họa.

Một vấn đề khác đặt ra là bản ghi mà BH Media sử dụng để Youtube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sỹ Giáng Son hay không, hay bản ghi này đang bị chiếm hữu một cách trái phép hoặc nếu đã sản xuất, sao chép thì có xin phép nhạc sỹ Giáng Son hay chưa. Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua các giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao.

Thông cáo báo chí của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng khẳng định ở Việt Nam, BH Media không phải là đơn vị duy nhất đưa bản ghi lên Youtube, còn rất nhiều đơn vị khác mà họ đã nghiêm chỉnh xin phép tác giả trước khi làm để kinh doanh. Liên quan đến việc này, Trung tâm đã gửi công văn mời BH Media đến làm việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nhiều chiêu trò xâm phạm bản quyền

Có thể nói, việc xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra trên nhiều lĩnh vực với những “chiêu trò” khó lường, đặc biệt là tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên nền tảng công nghệ số. Hiện nay có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật, đánh tráo khái niệm và sử dụng các chiêu trò lách luật để xâm phạm bản quyền. Nếu các tác giả không am hiểu về công nghệ thì không thể biết và khiếu nại.

Đơn cử như trường hợp của nhạc sỹ Lã Văn Cường, hơn 30 tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác nhưng lại bị đánh dấu là vi phạm bản quyền Youtube. Nhạc sỹ Lã Văn Cường cho biết những bài hát đó đều do ông bỏ tiền hòa âm, phối khí ghi âm, ghi hình và ca sỹ hát nhưng lại bị các tổ chức, cá nhân lấy, đưa lên mạng mà không xin phép ông. Có tác phẩm của ông khi đưa lên mạng còn bị sửa tên tác giả, tên ca sỹ và thậm chí còn ghi tác giả đã mất.

Bức xúc trước những hành vi xâm phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, nhạc sỹ Lã Văn Cường đã gửi đơn đến Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam (đơn vị mà nhạc sỹ ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm), đề nghị Trung tâm áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết, xử lý những đơn vị chiếm đoạt quyền tác giả của ông.

Nhạc sỹ Minh Châu cũng từng bị cảnh báo vi phạm bản quyền với chính các tác phẩm do ông sáng tác. Ông chia sẻ: “Tôi cũng từng bị BH Media cảnh báo vi phạm bản quyền chính những tác phẩm do tôi sáng tác. Cảm giác đầu tiên khi bị “tố” là tôi thấy mình bị xúc phạm. Ngay sau khi tôi phản ứng thì đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên Youtube của tôi. Nhưng tôi nghĩ đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được. Ai cảm thấy bị xâm phạm thì cứ việc lên tiếng, Youtube cứ việc khai thác nếu tác phẩm hay, nhiều người thích, chứ Youtube không có trách nhiệm làm quan tòa phân xử đúng-sai. Ở nước ngoài không có chuyện như vậy. Cái gì của họ, họ mới nhận, không ai đi nhận vơ của người khác, cái đó rất là xấu."

Theo nhạc sỹ Minh Châu, đây là hiện trạng chung của các nhà khai thác nội dung trên nền tảng Internet. Nhiều công ty, mua hoặc được ủy quyền khai thác, ví dụ 1.000 bản ghi âm, nhưng sau đó công bố có quyền của tất cả các bản ghi và họ đăng ký với Youtube tác phẩm đó thuộc độc quyền của họ, như vậy là đã cố ý gian dối ngay từ đầu, nên không chỉ tác giả mà nhiều đơn vị khác khi khai thác sử dụng tác phẩm cũng bị “tố” vi phạm bản quyền. Thậm chí, có những tác giả khi tìm được đường link tác phẩm của mình bị xâm phạm, tra Google cũng không biết công ty đó ở đâu. Còn những nhạc sỹ không biết về công nghệ thì chịu rất nhiều thiệt thòi, vì những vi phạm trong kinh doanh bản thu âm, ghi hình trên nền tảng mạng ở Việt Nam là rất lớn.

Nhạc sỹ Ngọc Khuê cũng chia sẻ trên trang cá nhân của mình, mới đây, cần lấy một ca khúc từ kênh Youtube cá nhân để làm việc thì lập tức bị báo là vi phạm bản quyền. Ông mở tài khoản kiểm tra thì thấy có 37 video trong tổng số 269 video trong kênh của ông bị đánh dấu vi phạm bản quyền.

Những video đó đa phần là của ông, do ông sáng tạo ra, đầu tư tiền phối khí, thuê ca sỹ, thu thanh, thậm chí thuê người thu hình làm video, đã đăng ký ủy nhiệm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Vậy mà các video này lại bị một số tổ chức, cá nhân nhận là của họ để kiếm tiền trên công sức của những người sáng tạo.

Hầu hết các nhạc sỹ khi phát hiện tình trạng bản thân bị xâm phạm bản quyền thì đều rất bức xúc, nhiều nhạc sỹ đã có đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đề nghị Trung tâm bảo vệ.

Bộ phận Pháp chế của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam cho biết Trung tâm đã nhận được khá nhiều đơn thư của các nhạc sỹ gửi đến đề nghị và ủy quyền để Trung tâm tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để lấy lại sự công bằng, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các tác giả với các tác phẩm bị xâm hại bản quyền.

Những câu chuyện trên cho thấy trong thời đại 4.0, tình trạng sử dụng các chiêu trò, đánh tráo khái niệm, lách luật để xâm phạm bản quyền tác giả trên môi trường số đang ngày càng tinh vi, khó lường.

Đặc biệt là trên Youtube, nơi các video được đăng tải tràn lan, công khai thì việc kiểm tra, đối chiếu bản quyền lại càng khó hơn. Nếu không rành rẽ về luật pháp, cũng như không có kiến thức về công nghệ thì các tác giả sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục