Nhiều thách thức đặt ra đối với chương trình phòng chống lao quốc gia

Do chỉ tiêu cam kết phát hiện các ca mắc mới cho giai đoạn 2021-2023 ở mức cao nhằm hướng đến quá trình thanh toán bệnh lao trong những giai đoạn tiếp theo, nên những thách thức ngày càng nhiều.
Nhiều thách thức đặt ra đối với chương trình phòng chống lao quốc gia ảnh 1Phó giáo sư Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành Chương trình chống lao Quốc gia. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với việc chỉ phát hiện được 78.935 ca mắc mới bệnh lao trong năm 2021 - giảm gần 23% so với năm 2020 và chỉ đạt 65% chỉ tiêu kế hoạch phát hiện cả năm cho số bệnh nhân lao các thể (121.000 ca), Chương trình Chống lao quốc gia đang gặp nhiều khó khăn thách thức cho việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra của cả giai đoạn 2021-2023.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động phòng chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023, cho Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội.

11/30 nước kháng lao đa thuốc cao nhất thế giới

Theo Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

[WHO: Số ca tử vong vì bệnh lao gia tăng trở lại trong thời kỳ COVID-19]

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung cho hay trong năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 gây ra những biến động trong xã hội, sự giãn cách xã hội bắt buộc tại nhiều địa phương trên toàn quốc, số liệu phát hiện bệnh nhân mắc mới của Chương trình Chống lao Quốc gia đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, khi mà COVID-19 mới xảy ra tại Việt Nam. Đặc biệt, trong đợt tấn công lần thứ 4 của dịch COVID-19 là đợt tấn công nguy hiểm nhất với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Trong chín tháng đầu năm 2022, số liệu phát hiện ca mắc mới bệnh lao đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2021 và thậm chí còn cao hơn cả cùng kỳ năm 2020, thời điểm COVID-19 chỉ mới xảy ra tại Việt Nam.

Chương trình Chống lao Quốc gia trong 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt được 54,7% chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tương ứng với 76.072 ca bệnh/chỉ tiêu 139.000 ca. Vì vậy, Chương trình sẽ gặp vô vàn khó khăn thách thức trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, với những tín hiệu vô cùng tích cực đầu tiên, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước COVID-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc và việc đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 có thể khả thi.

Nhiều thách thức đặt ra đối với chương trình phòng chống lao quốc gia ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung lý giải, do chỉ tiêu cam kết phát hiện các ca mắc mới cho giai đoạn 2021-2023 ở mức cao nhằm hướng đến quá trình thanh toán bệnh lao trong những giai đoạn tiếp theo, nên những thách thức ngày càng nhiều.

Tác động nặng nề của dịch COVID-19 lần thứ 4 với quy mô rộng và tác động mạnh nhất từ trước tới nay, mang tính chất thảm họa. Bệnh nhân không tiếp cận các cơ sở y tế do sợ lây nhiễm, phải làm xét nghiệm COVID-19 trước khi khám tại một số cơ sở. Giãn cách xã hội cũng làm giảm khả năng đi lại và tiếp cận, dẫn đến hoạt động điều trị cho lô bệnh nhân trong 6 tháng đầu năm 2021 đã bị ảnh hưởng rất rõ rệt. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát mới chỉ đạt 77%, thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu của WHO (85%) và của Chương trình (90%).

Đảm bảo có đủ thuốc cho người bệnh

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng đến công tác chẩn đoán và điều trị lao trong những năm vừa qua. Toàn bộ những tiến độ đã đạt được tính đến năm 2019 đã bị chậm lại, đình trệ, hoặc là hoàn toàn đảo ngược, mục tiêu thanh toán bệnh lao toàn cầu đã bị chệch hướng. Tác động rõ ràng nhất chính là sự sụt giảm lớn về số bệnh nhân lao được phát hiện trên toàn cầu.

Tuy đã có sự phục hồi vào năm 2021, nhưng tỷ lệ sụt giảm tại các quốc gia này vẫn chiếm tới 60% mức độ sụt giảm so với năm 2019. Một số quốc gia khác có mức giảm trên 20% so với tỷ lệ trung bình phát hiện của quốc gia có thể kể đến là Bangladesh (2020), Lesotho (2020 và 2021), Myanmar (2020 và 2021), Mông Cổ (2021) và Việt Nam (2021).

“Việc giảm số ca bệnh lao được phát hiện trong năm 2020 và 2021 sẽ dẫn tới hậu quả là số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị đã tăng lên đáng kể, dẫn đến tăng số ca tử vong do lao và mức độ lây truyền trong cộng đồng cũng sẽ mạnh hơn. Đáng lưu ý, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc lao đến khám trong tình trạng rất nặng như lao màng não, lao kháng thuốc… khiến cho việc điều trị nhiều khó khăn hơn,” ông Nhung phân tích.

Trong năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể kết thúc, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng vẫn còn tồn tại, do đó, song song với tăng cường công tác phòng chống lao tại các tuyến, các biện pháp đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn của cộng đồng trước đại dịch COVID-19 cũng cần phải được lưu tâm.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung nói về chương trình chống lao quốc gia:

Trong năm 2022, sự kiện diễn ra vào ngày 1/7 là một điểm nhấn nổi bật trong năm. Chương trình đã thực hiện chuyển giao cơ chế cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước sang nguồn quỹ bảo hiểm y tế, mở ra một cơ chế tài chính bền vững và hiệu quả hơn cho người bệnh lao.

Chính vì vậy, trong năm 2023 Chương trình Chống lao Quốc gia đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chiến lược chấm dứt bệnh lao giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn 2030; Xây dựng và hoàn thiện Đề xuất viện trợ Quỹ Toàn cầu Phòng chống lao giai đoạn 2024-2026.

Đặc biệt, chương trình cũng tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao từ nguồn bảo hiểm y tế để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định; Tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả xe X-quang di động kỹ thuât số và các máy X-quang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục