Với mỗi người dân Việt Nam, Chiến dịch Hồ Chí Minh và ngày 30/4/1975 đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.
48 năm đã qua nhưng trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của những cựu chiến binh tại thành phố mang tên Bác vẫn còn vẹn nguyên, vang vọng, không thể nào quên.
Những câu chuyện của những người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mãi là những minh chứng về lịch sử sống động và hào hùng.
Tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh
Là chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử, Đại tá Trần Văn Thân (sinh năm 1947), nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào khi nhớ về thời khắc giải phóng miền Nam lịch sử.
Tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1965 khi vừa tròn 18 tuổi, Đại tá Trần Văn Thân lần lượt tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Tây Nguyên.
Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, ông gia nhập Quân đoàn 3 do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập ngày 26/3/1975 và nhận lệnh hành quân thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, đảm nhiệm hướng tiến công từ Tây Bắc vào Sài Gòn.
Theo dòng hồi tưởng, Đại tá Trần Văn Thân nhớ lại, thời điểm rạng sáng 29/4/1975, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3 được lệnh tấn công Căn cứ Đồng Dù (huyện Củ Chi), tiêu diệt Sư đoàn 25 của Quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân tại đó.
Đồng Dù là căn cứ quân sự rộng 8km2 với 13 lớp hàng rào cùng 3.000 lính ngụy; được ví như “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn, có vị trí quan trọng nằm trên trục Quốc lộ 1 cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km về phía Tây Bắc.
Tiêu diệt được căn cứ này sẽ mở ra cánh cửa phía Tây Bắc cho bộ đội giải phóng tiến công vào Sài Gòn. Với tinh thần bất khuất, quật cường, các chiến sỹ quyết tâm tiêu diệt căn cứ này, mở đường giải phóng Sài Gòn.
Trung đoàn 64 do Đại tá Trần Văn Thân làm Trung đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chiến đấu ở vòng ngoài, tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 10 của Quân đoàn 3 chốt giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông (nay là cầu An Hạ, huyện Hóc Môn) và cầu Sáng (nay thuộc huyện Hóc Môn) nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn, ngăn quân địch phản công, tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu nội đô.
Đại tá Trần Văn Thân kể lại ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Trung đoàn 64 cùng Trung đoàn 198 đặc công đã tiến hành tập kích địch ở đầu cầu Bông. Quân địch chống trả quyết liệt nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, quân ta đã làm chủ cầu Bông.
Sau đó, quân ta tiếp tục tập kích quân địch tại cầu Sáng, khiến chúng tan rã. Ngay sau khi chốt giữ được hai cây cầu huyết mạch, Trung đoàn 198 đặc công triển khai gỡ những khối thuốc nổ địch gài tại các chân cầu.
Trung đoàn 64 tiếp tục tiến quân đánh địch để làm chủ hoàn toàn quận lỵ Hóc Môn. Cùng lúc đó, lực lượng chủ lực của Sư đoàn 320 cũng tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 25 ở căn cứ Đồng Dù. Đường vào Sài Gòn đã thông, sáng 30/4/1975, lực lượng hùng hậu của Quân đoàn 3 tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn đánh chiếm các mục tiêu được phân công.
Sau khi vào được nội đô Sài Gòn, Trung đoàn 64 của Đại tá Trần Văn Thân tiếp tục tiến quân theo hai mũi là hướng đường Lê Văn Duyệt (nay thuộc quận Bình Thạnh) để đến Dinh Độc Lập và hướng đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để đánh vào Cư xá Sỹ quan Mỹ.
Tại mũi đánh đường Công Lý, Trung đoàn 64 đã bị tàn quân của địch tập kích khiến 12 chiến sỹ bị thương, 4 người hy sinh.
Kể đến đây, Đại tá Trần Văn Thân không khỏi ngậm ngùi, thời điểm đó là 12 giờ ngày 30/4/1975, sau khi lá cờ Tổ quốc đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, 4 chiến sỹ Trung đoàn 64 ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, khi thời khắc đất nước giành được độc lập đã ở rất gần.
Đại tá Trần Văn Thân cho biết ông không thể nào quên được tinh thần chiến đấu dũng cảm và quên mình của các chiến sỹ Sư đoàn 320 tại trận đánh Căn cứ Đồng Dù. Chiến thắng này đã đánh đổi bằng sự hy sinh anh dũng của gần 200 cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn 320 và nhân dân huyện Củ Chi. Việc nhiều chiến sỹ không thể chứng kiến được ngày đất nước hòa bình và phát triển vượt bậc là niềm nuối tiếc lớn nhất của Đại tá cùng những người đồng đội cho đến hôm nay.
Một ký ức khó quên nữa của Đại tá Trần Văn Thân cùng đồng đội là tình cảm quân dân thắm thiết của người dân Sài Gòn. Trong giờ phút nguy nan, họ không ngại hiểm nguy, vận động xe lam, xe kéo, thậm chí sử dụng phương tiện cá nhân để dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm các cứ điểm trọng yếu trong thành phố.
[Hình ảnh thành phố Sài Gòn sống trong niềm vui chiến thắng 30/4/1975]
Khi nhiều chiến sỹ của Trung đoàn 64 thương vong do trận tập kích của địch tại Cư xá Sỹ quan Mỹ, người dân nơi đây đã đưa người bị thương về nhà hoặc đến Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) để chữa trị.
Đại tá Trần Văn Thân nhấn mạnh chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 có sự đóng góp rất lớn của nhân dân Sài Gòn-Gia Định.
Linh thiêng thời khắc cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập
Đối với Đại tá Trần Văn Đẩu (sinh năm 1952, nguyên quyền Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116, Sư đoàn đặc công 305 miền Đông Nam Bộ), ngày giải phóng miền Nam lịch sử bắt đầu từ khuya 29/4/1975 tại ấp Bến Gỗ (Biên Hòa, Đồng Nai) - nơi toàn Trung đoàn 116 vừa đánh chiếm thành công đầu cầu xa lộ Đồng Nai (một vị trí trọng yếu để tiến vào Sài Gòn và phía Nam Tổng kho Long Bình, kho vũ khí của địch).
Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Đại đội 1 của Đại tá Trần Văn Đẩu được lệnh tham gia cùng Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 thẳng tiến vào nội đô Sài Gòn. Đại đội trưởng Đại đội 1 là Trung úy Trần Duy Đô cùng bốn chiến sỹ đi xe tăng đầu, Đại tá Trần Văn Đẩu đi xe cuối.
Ban đầu, tốc độ tiến của đoàn xe tăng khá chật vật bởi vừa hành tiến vừa phải chiến đấu với sự tấn công quyết liệt của quân địch ở quân trường Thủ Đức và Căn cứ Trâu Điên, vừa dọn đường do các loại phương tiện của địch gồm xe GMC, xe bọc thép, cả xe tăng nằm rải rác khắp mặt đường cùng quân trang, súng ống, mũ nón của địch vứt lại trên mặt đường.
Cuối cùng, hai chiếc xe tăng số hiệu 390 và 843 (Đại đội 4, Tiểu đoàn 1) của Lữ đoàn xe tăng 203 đã tới Dinh Độc Lập đầu tiên. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (Trưởng xe tăng 843) đã tháo lá cờ Tổ quốc trên tháp pháo xe tăng để lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ chiến thắng.
Ngay sau đó, Đại đội 1 đặc công của Trung úy Phạm Duy Đô cũng vào đến nơi. Trung úy Đô tiếp tục lấy lá cờ Tổ quốc mang sẵn bên người, chạy lên tầng hai Dinh Độc Lập và ra ban công vẫy cờ để báo hiệu cho quân ta tiếp tục tiến vào.
Nhớ lại thời khắc chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Đại tá Trần Văn Đẩu cho biết không chỉ ông mà tất cả các đồng đội đều tự hào và xúc động. Tuy vậy, với tác phong của người lính chiến đấu, ở thời điểm đó, ông cùng đồng đội chưa dám buông tay súng để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra.
Chỉ đến khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và hàng chục nghìn người dân Sài Gòn bắt đầu tiến đến Dinh Độc Lập với rừng hoa, cờ trên tay, ông và đồng đội mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, khi trở lại cuộc sống thời bình, Đại tá Trần Văn Đẩu cùng các đồng đội luôn tích cực tham gia công tác xã hội, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương.
Chứng kiến Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi từng ngày, trở thành đô thị phát triển của đất nước và khu vực nhờ sự nỗ lực lao động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân thành phố, Đại tá Trần Văn Đẩu cùng các cựu chiến binh cảm thấy ấm lòng.
Ông chia sẻ giờ đây, ông cùng đồng đội đặt hy vọng vào thế hệ tương lai của thành phố và đất nước; mong các cháu sống trong hòa bình nhưng không quên lịch sử, giữ mãi hào khí dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước và công ơn của thế hệ đi trước để tiếp tục học hành, nghiên cứu thật tốt; đóng góp công sức, trí tuệ dựng xây Tổ quốc ngày càng giàu đẹp./.