Những ý đồ địa chính trị đằng sau sự chậm trễ của cơ chế COVAX

Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX đang vấp phải những rào cản không chỉ liên quan đến vấn đề sức khỏe quốc gia mà còn cả lợi ích địa chính trị.
Những ý đồ địa chính trị đằng sau sự chậm trễ của cơ chế COVAX ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Rafah, Palestine, ngày 3/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX được thiết lập và đi vào hoạt động hơn một năm trước để bảo đảm sự tiếp cận toàn cầu và công bằng đối với vaccine chống COVID-19.

Tuy nhiên, hệ thống này đang vấp phải những rào cản không chỉ liên quan đến vấn đề sức khỏe quốc gia mà còn cả lợi ích địa chính trị.

Hiện nay, nhiều nước giàu đang chậm trễ trong việc hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo.

Để lý giải điều này, nhật báo Le Figaro số ra gần nhất cho rằng chính lợi ích quốc gia đã khiến đoàn kết quốc tế trở nên lu mờ.

Theo Le Figaro, tuần cuối cùng của tháng Chín là tuần của những tuyên bố lớn về tình đoàn kết quốc tế từ các nước phương Tây.

[Thủ tướng đề nghị COVAX phân bổ nhanh vaccine dành cho Việt Nam]

Tổng thống Emmanuel Macron đã thông báo rằng Pháp sẽ cung cấp 120 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia cần.

“Pháp cam kết tăng gấp đôi số liều cung cấp, từ 60 triệu lên 120 triệu liều. Điều này có nghĩa là số vaccine được cung cấp sẽ nhiều hơn so với những gì đã làm được ở trong nước,” Tổng thống đã nói trong phát biểu chào mừng buổi hòa nhạc mới đây của tổ chức từ thiện Global Citizen.

Trước đó, Mỹ cũng đẩy nhanh tốc độ, nâng tổng số liều vaccine hỗ trợ cam kết lên hơn 1,1 tỷ liều.

Đối với Liên minh châu Âu (EU), họ đã hứa hẹn sẽ cung cấp khoảng 500 triệu liều trong dài hạn.

Trong bối cảnh các nước nghèo nhất vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với vaccine, với tỉ lệ phủ vaccine ở châu Phi chỉ đạt 4%, những động thái này mang lại nhiều niềm hy vọng.

Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống COVAX, với sứ mệnh cung cấp vaccine cho các quốc gia khó khăn nhất thông qua những khoản quyên góp này, đã phải vật lộn để đạt được các mục tiêu ban đầu.

Vào đầu năm, chương trình đã lên kế hoạch phân phối 2 tỷ liều trên toàn thế giới, hơn một nửa trong số này là miễn phí cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Các quốc gia này sẽ được hưởng lợi từ Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (AMC), cơ chế nhằm đảm bảo một thị trường chắc chắn cho sản phẩm của các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 297 triệu liều được phân phối trên thế giới, trong đó 228 triệu liều được cấp cho 92 quốc gia nghèo tham gia AMC. Trong số này, 171 triệu liều đến từ các khoản quyên góp từ các quốc gia khác. Các nước phương Tây, mặc dù đã tăng cường cam kết trong những tháng gần đây, nhưng lại có vẻ ít hào phóng hơn so với kỳ vọng.

Điều này buộc COVAX phải quyết định điều chỉnh lại mục tiêu của mình xuống 1,4 tỷ liều cho đến cuối năm 2021, bao gồm 1,2 tỷ cho các nước nghèo nhất. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đủ để tiêm chủng cho 20% dân số các nước nghèo, thay vì 30% như dự kiến ban đầu.

Ưu tiên quốc gia hơn là đoàn kết quốc tế

Các tiêu chí của COVAX đã phải hạ thấp xuống, chủ yếu là bởi sự miễn cưỡng của các nước giàu, vốn không cung cấp nhiều như họ đã công bố.

Bà Nathalie Ernoult, đồng Giám đốc Viện nghiên cứu y tế Pháp và chuyên gia thuộc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS), giải thích: "Mô hình COVAX ban đầu dựa trên cơ chế mua trước vaccine," song đã nhanh chóng bị qua mặt bởi những đơn đặt hàng trước ồ ạt từ các nước phương Tây.

Đồng nghiệp của bà Nathalie Ernoult, một chuyên gia về các vấn đề sức khỏe cộng đồng, Anne Sénéquier đã bổ sung thêm: “COVAX đã thiết lập một hệ thống quyền mua trước đối với vaccine, nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra."

Bà cho biết: “Mỹ đã khéo léo để có quyền ưu tiên từ các nhà sản xuất công nghiệp. Điều này khiến các nước thuộc Liên minh châu Âu lo lắng và phối hợp để đặt hàng vaccine với số lượng lớn.”

Kết quả là lượng dự trữ vaccine nhanh chóng cạn kiệt và COVAX rơi vào tình trạng phụ thuộc vào số liều được quyên tặng để có thể hoạt động và đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.

Nếu ngày nay châu Âu và Bắc Mỹ có thể tự hào về việc đã tiêm phòng cho hơn 50% dân số của họ, điều này đã mất khá nhiều thời gian.

Bà Anne Sénéquier nhắc lại: "Đại dịch được xử lý trước hết ở cấp quốc gia," liên quan đến chính sách "Tôi là trên hết."

Đồng quan điểm này, bà Nathalie Ernoult nhận định: "Chỉ đến khi đại đa số dân ở các nước giàu đã được tiêm chủng" thì "những quốc gia này mới quan tâm đến quốc tế."

Trong thời gian này, những lời hứa hỗ trợ từ các nước phương Tây đã tăng lên gấp bội, nhưng nhanh chóng vấp phải thực tế không mấy thuận lợi.

Theo báo cáo của đài phát thanh quốc gia Pháp (Franceinfo), trong số 600 triệu liều mà Washington đã hứa, chỉ có 140 triệu được chuyển giao. Liên minh châu Âu chỉ chuyển được 8% số liều vaccine mà họ đã hứa.

Bà Nathalie Ernoult cảm thấy đáng tiếc: “Chúng tôi đã quen với tác động của những thông báo về việc quyên tặng và sau đó đã không trở thành hiện thực trong thực tế.”

Theo bà, các nhà lãnh đạo chính trị đưa ra thông báo khi thấy có lợi cho họ như một phần của "chương trình nghị sự chính trị."

Cung cấp vaccine liệu có chấm dứt tranh luận về việc dỡ bỏ bằng sáng chế?

Lời hứa của ông Emmanuel Macron được đưa ra trong buổi hòa nhạc Global Citizen mới đây nhằm vận động hành tinh chống lại đói nghèo cùng cực, chỉ là một phần của logic tranh cử, hay sẽ được thực hiện trong thực tế ?

Chắc chắn đằng sau lời hứa này là một ý đồ địa chính trị thực sự. Ở bên kia địa cầu, Trung Quốc và Nga tiếp tục ký kết các thỏa thuận song phương và chia sẻ công nghệ của họ.

Bà Nathalie Ernoult nói: “Họ (Trung Quốc và Nga) đang hành động theo logic ngoại giao, đáp ứng với kỳ vọng của các nước nghèo.”

Bà Nathalie Ernoult coi hai cường quốc này là “những người chiến thắng lớn” trong cuộc chạy đua về vaccine.

Theo bà, để phản ứng lại với cơ chế COVAX có vẻ như đã bị tắc nghẽn, những thông báo này (của phương Tây) nhằm mục đích định hướng lại cho người phương Tây và gửi tín hiệu chính trị đến các nước nghèo.

Những thông báo này cũng có thể nhằm mục đích tạm thời ngăn tranh luận về việc dỡ bỏ các bằng sáng chế vaccine.

Từ vài tháng nay, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và Pháp, đã kêu gọi chấm dứt tình trạng độc quyền của các nhà sản xuất vaccine về số lượng và nơi sản xuất huyết thanh quý giá.

Tuy nhiên, sự phản đối của một số nước khác, trong đó có Đức, đã khiến cuộc đàm phán trở nên khó khăn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục