Theo thông tin từ gia đình, nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường cho đến ngày mùng 4 Tết thì anh kêu chân có cảm giác tê bì, di chuyển thấy đau nên gia đình đưa anh vào bệnh viện. Không ngờ, bác sỹ cho biết anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tiên lượng xấu.
Chỉ 6 ngày sau khi phát hiện bệnh, nghệ sỹ đã ra đi mãi mãi, để lại sự bàng hoàng, thương tiếc cho cả gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến anh…
Thành công thể hiện cốt cách Bác Hồ
Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam cho hay ông “đau và tiếc nuối” trước sự ra đi đột ngột của nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi.
Năm 1992, hai nghệ sỹ cùng tham gia chương trình nghệ thuật đặc biệt về hình tượng Bác Hồ trên sân khấu do giáo sư Hoàng Chương tổ chức, trong đó có trích đoạn vở kịch “Đêm trắng” (tác giả Lưu Quang Hà).
Trong vở diễn, Bác đã thức trắng đêm với bao trăn trở, đau đớn khi đưa ra quyết định xử tử Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham ô, biển thủ công quỹ. Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đã thể hiện rất thành công hình tượng nghệ thuật Bác Hồ trong vở này.
Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho rằng hình tượng nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu có một số nghệ sỹ thể hiện như Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân, Nguyễn Ngọc Thủy, Thanh Điềm… nhưng Tiến Hợi là nghệ sỹ có ngoại hình rất gần với Bác Hồ ở giai đoạn trước 1954 và sau đó một số thời gian sau. Tiến Hợi quê Nghệ An nên anh cũng có chất giọng rất tương đồng với Bác. Dường như nghệ sỹ được sinh ra để thể hiện hình tượng Bác Hồ vậy…
[Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi- người giữ kỷ lục với các vai diễn về Bác Hồ]
Song, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức cho rằng nếu chỉ có chất giọng và vóc dáng giống Bác thì Tiến Hợi cũng không thể thuyết phục khán giản đến vậy. Ông khẳng định sự cống hiến cho nghệ thuật, quyết tâm và nhân cách cá nhân đã giúp nam nghệ sỹ thành công thể hiện cốt cách bình dị mà cao quý của vị lãnh tụ.
“Có những khó khăn rất lớn khi thể hiện hình tượng Bác Hồ nhưng Tiến Hợi đã tự mình vượt qua được,” ông quả quyết.
Nghệ sỹ ưu tú Lê Chức dẫn chứng hai câu thoại quan trọng trong vở “Đêm trắng.” Đó là khi Bác trực tiếp hỏi Trần Dụ Châu: “Là cộng sản mà ăn cắp thì còn ai tin?” Và khi Trần Dụ Châu xin bác ân xá: “Thưa Bác, cháu còn vợ ở nhà…” thì Bác chất vấn: “Lúc ăn chơi sa đọa có nghĩ đến vợ không?”
“Hai câu đó nếu cao giọng một chút lại thành lên gân, hô khẩu hiệu… nhưng nghệ sỹ Tiến Hợi đã xử lý rất tốt về cao độ và cảm xúc để khán giả cảm nhận được sự bình dị trong con người vị lãnh tụ vĩ đại, khắc họa được sự day dứt, trăn trở của Bác... để chúng ta thấy có sự xót xa của ‘vị cha già dân tộc’ trước đứa con hư của mình bởi khi một sỹ quan thoái hóa biến chất thì chính Bác cũng cảm thấy mình có một phần trách nhiệm,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức diễn giải.
Chia sẻ với phóng viên báo VietnamPlus, ông cho rằng tuy khác thế hệ nhưng ông và nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi yêu quý và đồng cảm với nhau nhờ có chung quan điểm nghệ thuật, lấy nghệ thuật làm lẽ sống. Thực tế, cả hai cùng đảm nhiệm các vai chính diện, xa lạ với các khái niệm sân khấu thương mại, thị trường.
Bên cạnh công tác chuyên môn, nghệ sỹ ưu tú Lê Chức còn gần gũi với đàn em của mình trong công tác hội bởi có thời kỳ nghệ sỹ Tiến Hợi là Chi hội trưởng Chi hội nghệ sỹ sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội.
“Anh là một con người vô cùng lành hiền, có một nụ cười kỳ lạ, khó mà có thể nói là tươi nhưng cũng không phải là nụ cười nhạt. Nó ở khoảng giữa. Nụ cười ấy như muốn nói ‘các bạn thân mến ơi, tôi không có tranh chấp gì với các bạn đâu nhé’. Và quả thực, suốt nhiều năm tôi chưa bao giờ nghe thấy Tiến Hợi có tranh chấp hay điều tiếng gì,” nghệ sỹ ưu tú Lê Chức bùi ngùi.
Ông khẳng định cốt cách con người anh chính là “chìa khóa” để anh thể hiện hình tượng Bác Hồ rất thuyết phục ở mọi loại hình nghệ thuật chứ không riêng gì kịch nói.
Sống mãi trong lòng công chúng
Bên cạnh sân khấu, nghệ sỹ Tiến Hợi còn thành công trong việc khắc họa hình tượng Bác trên màn ảnh nhỏ, để người Việt nhiều thế hệ sau này có thể hình dung được hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành đầy bản lĩnh, trí tuệ và tình yêu nước thương dân.
Đạo diễn Long Vân, khi quyết định bấm máy bộ phim truyện "Hẹn gặp lại Sài Gòn" đã không ngần ngại chọn Tiến Hợi vào vai Nguyễn Tất Thành, người thanh niên đang nung nấu ước nguyện ra đi tìm đường cứu nước.
Bạn diễn của nghệ sỹ Tiến Hợi trong phim này là nghệ sỹ nhân dân Thu Hà, sau này cũng trở thành đồng nghiệp của anh tại Nhà hát Kịch Hà Nội.
Diễn viên Thu Hà cho hay chị học ở nghệ sỹ Tiến Hợi sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật.
“Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi đã khắc họa sâu đậm hình tượng Bác Hồ, được công chúng yêu mến, được giới chuyên môn đánh giá xuất sắc,” chị Thu Hà cho biết.
Cùng công tác tại một đơn vị nghệ thuật nên diễn viên Thu Hà thấu hiểu người anh, người đồng nghiệp của mình. Chị cho hay Tiến Hợi luôn nghiêm khắc với chính mình, nhã nhặn học hỏi và lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, khán giả về vai diễn mới. Anh sẽ mãi sống trong lòng công chúng khi nhớ về những cảm xúc dạt dào, thiêng liêng đối với hình tượng nhân vật Bác Hồ mà anh đã khắc họa.
“Nghệ sỹ ưu tú Tiến Hợi là tấm gương sáng để tôi và nhiều đồng nghiệp noi theo,” chị nói./.