Tích lũy trải nghiệm từ 35 năm làm phóng viên chiến trường, chụp ảnh phần lớn những cuộc xung đột trên thế giới từ Việt Nam tới Iraq, Patrick Chauvel đã lưu lại các cuộc chiến tranh không chỉ bằng hình ảnh mà còn bằng những thước phim tài liệu sống động.
Trở lại Việt Nam lần này, ông đã mang đến Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ V-2013 một “Phóng viên chiến trường” với câu chuyện kể của 15 phóng viên ảnh cũng bao năm lăn lộn giữa sinh-tử như ông để ghi lại từng khoảnh khắc lịch sử.
Patrick muốn cả thế giới biết được sự thật về sự khốc liệt của chiến tranh, lưu giữ những ký ức đó cho dù sự thật có tàn khốc và gợi lại nhiều nỗi đau...
Ký ức chiến tranh bằng phim...
“Phóng viên chiến trường” (1996-1998) của nhiếp ảnh gia, đạo diễn, nhà sản xuất phim tài liệu người Pháp Patrick Chauvel có nội dung và ý nghĩa thực sự nổi bật giữa 10 bộ phim châu Âu còn lại và 6 phim của Đông Nam Á tham gia Liên hoan phim tài liệu lần này.
Dù có sự nghiệp nhiếp ảnh thành công với giải thưởng danh giá World Press (1999) nhưng điều đó không làm Patrick thỏa mãn. Ông muốn sự thật về những gì ông từng nếm trải phải được tái hiện thật và sống động hơn nữa trong những câu chuyện của các nhân chứng sống cũng là phóng viên chiến trường như ông.
Từng gắn bó ở Việt Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, nên mỗi lần trở lại đất nước này trong hòa bình với Patrick bao giờ cũng là niềm vui.
Nhớ về các đồng nghiệp, Patrick chia sẻ, lúc nào ông cũng rất ấn tượng với công việc của các nhiếp ảnh gia cũng như các nhà quay phim ở miền Bắc Việt Nam đã thực hiện trong chiến tranh.
“Dù thiết bị làm việc của họ hết sức thô sơ, điều kiện làm việc vô vàn khó khăn giữa đạn bom khốc liệt nhưng họ đã có những bức ảnh và thước phim rất tuyệt vời. Đặc biệt, họ luôn tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật để kể trong những tác phẩm của mình. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người lính với đầy xúc cảm. Tôi thực sự bị ấn tượng và xúc động với công việc của các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam,” ông Patrick Chauvel bày tỏ.
Từ những niềm xúc động với các đồng nghiệp, Patrick làm nên bộ phim nhưng cũng thổ lộ nhiều trăn trở, như tại sao họ chọn làm nhiếp ảnh chiến trường? Họ có quyền chụp sự đau đớn của người khác không? Họ chịu trách nhiệm về cái gì? Chụp ảnh để làm chứng: một hành động chính trị hay một hành động cho lịch sử? Vai trò của việc biên tập trong công việc của họ tại chiến trường là gì?
“Tôi nghĩ rằng đó cũng là bộ phim về chân dung của những con người làm một nghề luôn có rất nhiều nguy hiểm rình rập,” người đàn ông 35 năm cầm máy ảnh bước ra từ những làn đạn nói.
...Về những “thư ký chiến trường”
Đến với Liên hoan phim lần này, bộ phim tài liệu dài 54 phút của đạo diễn Patrick Chauvel sẽ được công chiếu vào 19 giờ các ngày 8/6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Hà Nội; và 10/6 tại Trường Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đạo diễn Patrick Chauvel chia sẻ: “Phim của tôi là câu chuyện kể về công việc của bản thân cũng như 15 nhiếp ảnh gia người Mỹ, Anh và Pháp đã từng tham gia các cuộc chiến để đưa tin. Họ cố gắng làm sao để đằng sau đó đưa tới cho khán giả những nhận biết về sự thật đã diễn ra, những khó khăn mà các phóng viên ảnh phải chịu đựng ở hiện trường. Khi chúng ta chụp được những bức ảnh hay quay được những thước phim ở tại chiến trường, rồi đăng những hình ảnh trên các tờ báo, tạp chí thì tôi muốn đặt ra câu hỏi là đằng sau đó là gì? Và thực sự câu hỏi này rất khó trả lời.”
Với Patrick, công việc của những nhà báo ấy vô cùng quan trọng, không chỉ đơn thuần là việc đưa những thông tin về các cuộc chiến đang diễn ra mà họ còn là nhân chứng và chúng ta không cần một, hai “nhân chứng” mà cần rất nhiều người. Đó có thể là các nhà báo, các nhiếp ảnh gia, nhà quay phim... cùng tham gia để làm một công việc là truyền tải thông tin về cuộc chiến đồng thời lưu giữ ký ức về hiện thực vô cùng tàn khốc của nhân loại.
Những người “thư ký chiến trường” như Patrick nói, cần cái nhìn hết sức khách quan. Họ đứng từ hai phía cuộc chiến chứ không đứng về một phía nào cả.
Phim của Patrick là phim kể về niềm đam mê của những người làm nghề nguy hiểm, đi vào chỗ sinh-tử với thái độ bình thản.
Theo Patrick, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhờ có những phóng viên chiến trường như vậy mà thế giới mới có những góc nhìn đúng đắn về cuộc chiến. Hẳn nhiên, nhân dân Việt Nam bằng sự dũng cảm, kiên cường của mình đã giành được chiến thắng nhưng Patrick cho rằng bên cạnh đó còn rất nhiều các tác động khác và thực ra công việc của những phóng viên chiến trường đã góp phần làm thay đổi dư luận thế giới.
“Tôi nghĩ đó là điều vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Chính vì thế trong bộ phim của mình, tôi muốn nó là bản anh hùng ca đối với những người đã làm công việc này, những phóng viên chiến trường,” Patrick nhấn mạnh./.
Trở lại Việt Nam lần này, ông đã mang đến Liên hoan phim tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ V-2013 một “Phóng viên chiến trường” với câu chuyện kể của 15 phóng viên ảnh cũng bao năm lăn lộn giữa sinh-tử như ông để ghi lại từng khoảnh khắc lịch sử.
Patrick muốn cả thế giới biết được sự thật về sự khốc liệt của chiến tranh, lưu giữ những ký ức đó cho dù sự thật có tàn khốc và gợi lại nhiều nỗi đau...
Ký ức chiến tranh bằng phim...
“Phóng viên chiến trường” (1996-1998) của nhiếp ảnh gia, đạo diễn, nhà sản xuất phim tài liệu người Pháp Patrick Chauvel có nội dung và ý nghĩa thực sự nổi bật giữa 10 bộ phim châu Âu còn lại và 6 phim của Đông Nam Á tham gia Liên hoan phim tài liệu lần này.
Dù có sự nghiệp nhiếp ảnh thành công với giải thưởng danh giá World Press (1999) nhưng điều đó không làm Patrick thỏa mãn. Ông muốn sự thật về những gì ông từng nếm trải phải được tái hiện thật và sống động hơn nữa trong những câu chuyện của các nhân chứng sống cũng là phóng viên chiến trường như ông.
Từng gắn bó ở Việt Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến, nên mỗi lần trở lại đất nước này trong hòa bình với Patrick bao giờ cũng là niềm vui.
Nhớ về các đồng nghiệp, Patrick chia sẻ, lúc nào ông cũng rất ấn tượng với công việc của các nhiếp ảnh gia cũng như các nhà quay phim ở miền Bắc Việt Nam đã thực hiện trong chiến tranh.
“Dù thiết bị làm việc của họ hết sức thô sơ, điều kiện làm việc vô vàn khó khăn giữa đạn bom khốc liệt nhưng họ đã có những bức ảnh và thước phim rất tuyệt vời. Đặc biệt, họ luôn tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật để kể trong những tác phẩm của mình. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt của những người lính với đầy xúc cảm. Tôi thực sự bị ấn tượng và xúc động với công việc của các đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam,” ông Patrick Chauvel bày tỏ.
Từ những niềm xúc động với các đồng nghiệp, Patrick làm nên bộ phim nhưng cũng thổ lộ nhiều trăn trở, như tại sao họ chọn làm nhiếp ảnh chiến trường? Họ có quyền chụp sự đau đớn của người khác không? Họ chịu trách nhiệm về cái gì? Chụp ảnh để làm chứng: một hành động chính trị hay một hành động cho lịch sử? Vai trò của việc biên tập trong công việc của họ tại chiến trường là gì?
“Tôi nghĩ rằng đó cũng là bộ phim về chân dung của những con người làm một nghề luôn có rất nhiều nguy hiểm rình rập,” người đàn ông 35 năm cầm máy ảnh bước ra từ những làn đạn nói.
...Về những “thư ký chiến trường”
Đến với Liên hoan phim lần này, bộ phim tài liệu dài 54 phút của đạo diễn Patrick Chauvel sẽ được công chiếu vào 19 giờ các ngày 8/6 tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, Hà Nội; và 10/6 tại Trường Đại học Hoa Sen, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đạo diễn Patrick Chauvel chia sẻ: “Phim của tôi là câu chuyện kể về công việc của bản thân cũng như 15 nhiếp ảnh gia người Mỹ, Anh và Pháp đã từng tham gia các cuộc chiến để đưa tin. Họ cố gắng làm sao để đằng sau đó đưa tới cho khán giả những nhận biết về sự thật đã diễn ra, những khó khăn mà các phóng viên ảnh phải chịu đựng ở hiện trường. Khi chúng ta chụp được những bức ảnh hay quay được những thước phim ở tại chiến trường, rồi đăng những hình ảnh trên các tờ báo, tạp chí thì tôi muốn đặt ra câu hỏi là đằng sau đó là gì? Và thực sự câu hỏi này rất khó trả lời.”
Với Patrick, công việc của những nhà báo ấy vô cùng quan trọng, không chỉ đơn thuần là việc đưa những thông tin về các cuộc chiến đang diễn ra mà họ còn là nhân chứng và chúng ta không cần một, hai “nhân chứng” mà cần rất nhiều người. Đó có thể là các nhà báo, các nhiếp ảnh gia, nhà quay phim... cùng tham gia để làm một công việc là truyền tải thông tin về cuộc chiến đồng thời lưu giữ ký ức về hiện thực vô cùng tàn khốc của nhân loại.
Những người “thư ký chiến trường” như Patrick nói, cần cái nhìn hết sức khách quan. Họ đứng từ hai phía cuộc chiến chứ không đứng về một phía nào cả.
Phim của Patrick là phim kể về niềm đam mê của những người làm nghề nguy hiểm, đi vào chỗ sinh-tử với thái độ bình thản.
Theo Patrick, trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhờ có những phóng viên chiến trường như vậy mà thế giới mới có những góc nhìn đúng đắn về cuộc chiến. Hẳn nhiên, nhân dân Việt Nam bằng sự dũng cảm, kiên cường của mình đã giành được chiến thắng nhưng Patrick cho rằng bên cạnh đó còn rất nhiều các tác động khác và thực ra công việc của những phóng viên chiến trường đã góp phần làm thay đổi dư luận thế giới.
“Tôi nghĩ đó là điều vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Chính vì thế trong bộ phim của mình, tôi muốn nó là bản anh hùng ca đối với những người đã làm công việc này, những phóng viên chiến trường,” Patrick nhấn mạnh./.
ChiLê (Vietnam+)