Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau gần một tháng phân làn giao thông kết quả bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của người tham gia giao thông, va chạm giao thông trên tuyến đã giảm đáng kể, tăng khả năng thông hành của các phương tiện lưu thông trong khu vực, giảm tai nạn.
Chiều 11/10, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau gần một tháng phân làn, kết quả bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của người tham gia giao thông, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đi đúng làn đường khi tham gia trên các tuyến đường tổ chức phân làn, tạo thói quen văn minh đô thị trên các tuyến đường Thủ đô. Trả lời báo chí về tuyến đường phân làn đã tạo ra xung đột giữa các phương tiện tại điểm giao cắt, ông Tân cho biết: “Các phương án đều đã được tính và thử nghiệm trước, đảm bảo với tốc độ quy định đi trong nội đô từ 25 đến 30 km/h cho các phương tiện giao thông cơ giới, chỉ cần cách các ngã ba, ngã tư… khoảng 30m là các phương tiện trên đã có thể rẽ phải, rẽ trái rất an toàn.” Tuy nhiên, ông Tân cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại một số vấn đề, như 4 tuyến đã được phân làn đều không có làn đường dành cho xe buýt, nên khi xe buýt ra vào đón trả khách đã gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông của các phương tiện khác. Thời gian qua, việc lắp đặt các biển báo phân luồng trên đường đã gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra khiến nhiều người lo ngại. Theo ông Tân, chỉ mới hơn 20 ngày thực hiện việc phân làn đường, mặc dù hệ thống biển báo, dải phân cách phân làn tách dòng phương tiện đã được sơn phản quang, cột biển được dán giấy phản quang nhưng nhiều phương tiện giao thông do thiếu quan sát (đặc biệt là các xe ôtô tải chạy ban đêm) đã va quệt làm xoay lệch 40 biển; làm hư hỏng phải thay thế 23 cột; làm nghiêng đổ, gãy phải trồng lại 138 cột biển báo. Lý giải cho việc không đặt hết biển báo trên cao, ông Tân cho rằng, việc đặt biển dưới đường như vậy nhiều người còn không chấp hành, thì việc lắp biển báo trên cao, vẽ hình ở lòng đường... làm sao được, sẽ rất khó để đưa ý thức tham gia giao thông theo làn vào quy củ. “Thay đổi thói quen là rất khó, nên phải làm thường xuyên và lâu dài. Lần này chúng tôi quyết làm, dù tiến trình có chậm hơn, nhưng sẽ phải tổ chức giao thông trật tự hơn, nề nếp hơn. Để làm được như vậy không còn cách nào khác là phải cưỡng bức giao thông, nhiều rồi sẽ quen," ông Tân khẳng định. Theo thống kê của Sở, một số dải phân cách phân làn tách dòng phương tiện bị ôtô đâm hoặc va quệt làm xô lệch, lực lượng thanh tra phải khắc phục sắp xếp lại ngay. Bên cạnh đó, có 4 thanh tra giao thông đang thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn giao thông bị xe máy va quệt vào người trong khi tiến hành phân làn. Trong quá trình triển khai phân làn, tách phương tiện, đơn vị này đã bố trí 56 vị trí chốt trực trên 4 tuyến phố tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện; xử lý triệt để các vi phạm đỗ dừng xe dưới lòng đường hoặc chiếm dụng lòng đường để tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu… Cũng theo đơn vị này, thời gian tới trong 3 tháng cuối năm 2011, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ phối hợp với Công an thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện phân làn tách dòng theo phương tiện trên các tuyến phố sau: Kim Mã (đoạn từ Voi Phục đến Bến xe Kim Mã); Nguyễn Trãi-Trần Phú-Quang Trung (Hà Đông) (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Lê Trọng Tấn (Hà Đông); Yên Phụ-Trần Quang Khải-Trần Nhật Duật; Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai; Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao QL5-Nguyễn Văn Cừ đến cầu Vĩnh Tuy); Bắc Thăng Long-Nội Bài và đường Hoàng Quốc Việt.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, tuy mới tổ chức phân làn giao thông trên 4 tuyến phố, nhưng tổng chi phí giành cho công tác cải tạo hạ tầng, và chi phí cho lực lượng hướng dẫn phương tiện đã lên tới khoảng 7,14 tỷ đồng. 8 tuyến phố còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện phân làn từ nay tới cuối năm, với tổng kinh phí dự kiến khoảng 16,7 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 Hà Nội tiến hành phân làn tách phương tiện ôtô, xe máy. Cả 3 lần trước Hà Nội đều thất bại trong việc phân làn khi không có lực lượng chức năng điều tiết, xử phạt. |
Việt Hùng (Vietnam+)