Phó Thủ tướng: Các trường đại học lớn cần là hình mẫu về mô hình quản

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tự chủ đại học là con đường một chiều, không thể quay lại được, chỉ có thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn.
Phó Thủ tướng: Các trường đại học lớn cần là hình mẫu về mô hình quản ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 4/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tự chủ đại học là chặng đường đổi mới rất dài với nhiều gian nan và khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh kết quả giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tốt hơn. Vì vậy, đây là con đường một chiều, không thể quay lại được, chỉ có thống nhất hành động để tháo gỡ khó khăn.

Phó Thủ tướng cho rằng trên con đường đi rất khó, rất dài này có nhiều điều mới khó lường, cần phải sẵn sàng thích ứng. Vì vậy, các trường đại học, đầu tiên là các trường lớn cần trở thành hình mẫu về mô hình quản trị - là một môi trường mà ở đó mọi giá trị tốt đẹp được lan tỏa, thể hiện ra xã hội. Từ Bộ chủ quản tới nhà trường, từ trường tới các khoa, bộ môn tới giáo viên, sinh viên, phải là một môi trường dân chủ.

Phó Thủ tướng lưu ý nguyên tắc đầu tiên là tự chủ chứ không phải là tự do. Chúng ta nhất thiết phải tuân thủ pháp luật gắn với trách nhiệm của nhà trường. Tự chủ và trách nhiệm nhà trường là hai vế gắn với nhau. Như các trường đại học ở phương Tây vẫn phải có định hướng của nhà nước chứ không có nghĩa là tự do hoàn toàn. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhìn vào nguyên nhân tại sao các trường chưa tự chủ được để tìm cách tháo gỡ, như vấn đề kiểm định, việc thành lập hội đồng trường, cơ chế tài chính…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh đến một trong những sứ mệnh của đại học không chỉ là phổ biến, dạy tri thức mà phải là nơi sáng tạo ra tri thức. Nhất thiết, các cơ sở đào tạo phải đổi mới căn bản về nghiên cứu khoa học, tạo ra bước đột phá thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, không thể làm dàn trải hết được thì cần đầu tư vào một số trường có năng lực. Các trường này không phải là tự làm một mình mà trong khuôn khổ đề tài, chương trình, nhiệm vụ, có thể mời giảng viên có đủ năng lực của các trường khác tham gia. Cùng với đó, tiếp tục phải theo xu thế hội nhập quốc tế, hướng dẫn, cổ vũ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tham gia kiểm định quốc tế.

[Lễ khởi động Dự án hợp tác đổi mới giáo dục Đại học]

Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các ý kiến, tham luận từ các trường đều khẳng định, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống giáo dục đại học nói chung và các cơ sở giáo dục đại học công lập nói riêng.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết Nhà trường thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025, với 5 mục tiêu và 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; trong đó, đổi mới quản trị là giải pháp then chốt. Quan điểm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là “lấy Nhà trường làm nền tảng-Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển-Người học làm trung tâm.”

Cụ thể, người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy-nghiên cứu, chuyển giao công nghệ-đổi mới sáng tạo, đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người học, đảm bảo công bằng cho người học.

Nhấn mạnh “chìa khóa” để thành công khi thực hiện tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho rằng trước hết, các cơ sở đào tạo cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của giáo dục đại học trong bối cảnh mới. Cùng với đó, các trường cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở giáo dục đại học mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung.

Tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học FPT cũng nhìn nhận việc thực hiện tự chủ trong giáo dục đại học là một điểm nhấn quan trọng trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Đặt vấn đề, nếu như đại học không tự chủ thì làm sao tạo lập được môi trường đổi mới và đào tạo được lớp người có tư duy sáng tạo, Tiến sỹ Lê Trường Tùng cho rằng, nếu như không được đào tạo trong môi trường đổi mới sáng tạo, làm sao sinh viên sau này có thể cạnh tranh bởi sự khác biệt, làm sao có tư duy hơn, vượt lên khỏi các công việc mang tính quy trình-sẽ là việc dành cho robot và trí tuệ nhân tạo sau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục